Theo Quyết định 368/QĐ-TTg ngày 4/5/2024 về Quy hoạch vùng đồng bằng sông Hồng thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, vùng đồng bằng sông Hồng sẽ được chia thành 2 tiểu vùng với 1 vùng động lực quốc gia, 4 cực tăng trưởng và 5 hành lang kinh tế.

Vùng động lực quốc gia bao gồm thành phố Hà Nội và các địa bàn dọc theo trục quốc lộ 5 và quốc lộ 18, trong khi 4 cực tăng trưởng bao gồm Thủ đô Hà Nội, Bắc Ninh, Quảng Ninh, và Hải Phòng.

Hà Nội là cực tăng trưởng dẫn dắt toàn vùng và cả nước. Thành phố này đạt mức tăng trưởng 6,27% trong năm 2023. GRDP bình quân đầu người đạt 151,1 triệu đồng, tăng 6,5% so với năm trước. Khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm tỷ trọng 23,65%, trong khi dịch vụ chiếm tới 64,06%. Trong quý I/2024, GRDP của Hà Nội ước tính tăng 5,5% so với cùng kỳ năm trước.

Hải Phòng là cực tăng trưởng tiên phong trong phát triển công nghiệp và dịch vụ cảng biển. Năm 2023, GRDP của thành phố tăng 10,34%, duy trì 9 năm liên tục tăng trưởng hai con số. Trong quý I/2024, Hải Phòng đạt mức tăng trưởng 9,32%, đứng thứ 7 cả nước. Công nghiệp và xây dựng đóng góp mạnh vào tăng trưởng với mức tăng 11,24%.

Quảng Ninh là một trong những đầu tàu phát triển kinh tế dịch vụ, du lịch, công nghiệp của vùng đồng bằng sông Hồng. GRDP năm 2023 của tỉnh tăng 11,03%, gấp đôi mức tăng trưởng bình quân cả nước. Quảng Ninh có kế hoạch tiếp tục duy trì đà tăng trưởng hai con số trong năm 2024.

Bắc Ninh là cực tăng trưởng và một trong những trung tâm công nghiệp lớn của vùng. Tuy nhiên, năm 2023, tỉnh này đối mặt với nhiều khó khăn, với GRDP giảm 9,28%, mức giảm sâu nhất trong 63 tỉnh, thành phố. Trong quý I/2024, GRDP của Bắc Ninh tiếp tục giảm 3,83% so với cùng kỳ năm trước, nhưng mức giảm ít hơn các quý trước.

Kinh tế của 4 địa phương được lựa chọn trở thành cực tăng trưởng khu vực Đồng bằng sông Hồng trong 6 năm tới
Ảnh minh họa

Quy hoạch vùng đồng bằng sông Hồng nhằm tạo điều kiện cho sự phát triển cân bằng giữa các khu vực và thúc đẩy tăng trưởng bền vững. Mỗi cực tăng trưởng đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển tổng thể của vùng, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội của cả nước.

Phấn đấu trong kỳ quy hoạch đến năm 2030 tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn vùng (GRDP) bình quân khoảng 9,0-9,5%/năm, trong đó tiểu vùng Bắc sông Hồng tăng trưởng bình quân khoảng 8,8-9,0%/năm, tiểu vùng Nam sông Hồng tăng trưởng bình quân khoảng 10,0-10,5%/năm; quy mô GRDP vùng năm 2030 tăng khoảng 3 lần so với năm 2020 (giá hiện hành); GRDP bình quân đầu người theo giá hiện hành đến năm 2030 đạt khoảng 11.000-12.000 USD/người;

Tỷ trọng trong GRDP của khu vực dịch vụ đạt khoảng 41%; công nghiệp - xây dựng khoảng 47% (trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo đạt khoảng 30% GRDP); nông, lâm, thủy sản đạt khoảng 3,5% GRDP; thuế sản phẩm trừ trợ cấp chiếm khoảng 8,5% GRDP; kinh tế số đạt khoảng 35% GRDP;

Tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn đa chiều giảm khoảng 1-1,5%/năm (theo tiêu chí chuẩn nghèo của từng thời kỳ); 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có ít nhất 60% số xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 20% số xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu.

Tỷ lệ hộ gia đình được sử dụng nước sạch theo quy chuẩn ở thành thị đạt 100%, ở nông thôn đạt 85%.