Bắc Ninh dẫn đầu với siêu dự án gần 14.000 tỷ đồng

Thị trường bất động sản khu vực phía Bắc đang bước vào một cuộc tăng tốc chưa từng có khi hàng loạt địa phương liên tiếp công bố các dự án quy mô hàng nghìn tỷ đồng. Trong nửa đầu tháng 5/2025, hàng loạt tỉnh thành phía Bắc như Bắc Ninh, Hà Nam, Hưng Yên,… đã đồng loạt phát đi thông báo mời đầu tư cho các dự án khu đô thị mới có quy mô từ vài chục đến hàng trăm ha.

Trong đó, tỉnh Bắc Ninh đang khẳng định vị thế dẫn đầu khi tung ra dự án khu đô thị mới, dịch vụ tại ba phường trung tâm Khắc Niệm, Vân Dương và Đại Phúc, TP. Bắc Ninh. Với tổng mức đầu tư gần 13.600 tỷ đồng, quy mô lên đến gần 144ha, đây là một trong những dự án lớn nhất được công bố từ đầu năm 2025 đến nay.

Dự án được quy hoạch bài bản, tích hợp đầy đủ các tiện ích từ nhà ở, thương mại dịch vụ, giáo dục, thể thao đến không gian xanh rộng tới 31ha, hướng tới mục tiêu đáp ứng nhu cầu sinh sống cho hơn 11.400 người. Thời gian triển khai kéo dài trong 6 năm, thể hiện tầm nhìn dài hạn và sự quyết liệt của địa phương trong chiến lược phát triển đô thị.

Loạt dự án nghìn tỷ làm nóng đô thị phía Bắc: 3 địa phương được giới đầu tư săn đón

Thị trường bất động sản phía Bắc đang bùng nổ mạnh mẽ với hàng loạt dự án nghìn tỷ được các địa phương như Bắc Ninh, Hà Nam, Hưng Yên… đồng loạt công bố trong nửa đầu tháng 5/2025.

Không chịu thua kém, tỉnh Hà Nam đang trở thành “điểm nóng” đầu tư với hàng loạt dự án mới trải đều từ Duy Tiên, Kim Bảng đến Lý Nhân. Chỉ riêng thị xã Duy Tiên đã chứng kiến 3 dự án đô thị được mời đầu tư, nổi bật nhất là khu đô thị mới phía Tây Nam cầu Yên Lệnh (quy mô gần 48,5ha, vốn 2.200 tỷ đồng).

Tại Kim Bảng, các dự án lần lượt được hé lộ: khu đô thị tại phường Tân Sơn, Lê Hồ và Đồng Hóa (gần 1.500 tỷ đồng); khu đô thị phía Tây Nam nút giao vành đai 5 - QL.1A (1.200 tỷ đồng) và khu đô thị phía Nam phường Ngọc Sơn (433 tỷ đồng). Huyện Lý Nhân cũng nhập cuộc với dự án Bắc Thái Hà hơn 1.700 tỷ đồng, cho thấy sức lan tỏa mạnh mẽ của làn sóng đô thị hóa đến cả vùng ven.

Tại Hưng Yên, quy mô và mức đầu tư là hai yếu tố nổi bật nhất. Dự án Khu phức hợp đô thị sinh thái Phố Hiến có quy mô tới 1.249ha, là một trong những đại đô thị sinh thái lớn bậc nhất miền Bắc hiện nay. Dự án dự kiến đấu thầu trong giai đoạn 2026–2030, mở ra cơ hội phát triển du lịch, nghỉ dưỡng và thương mại cao cấp tại trung tâm tỉnh.

TP. Hưng Yên cũng chào sân với dự án khu đô thị Liên Phương rộng 100ha, trong khi thị xã Mỹ Hào khiến giới đầu tư “choáng ngợp” khi điều chỉnh vốn đầu tư cho Phân khu A – KĐT phía Bắc QL5 từ 3.000 tỷ lên gần 35.000 tỷ đồng – mức tăng cho thấy tham vọng phát triển mạnh mẽ của địa phương.

Ngoài 3 "vùng lõi" trên, Thủ đô Hà Nội dù không “bung vốn” với quy mô quá lớn, nhưng lại tạo dấu ấn bằng việc thúc đẩy các dự án nhà ở xã hội – phân khúc thiết yếu trong bối cảnh thiếu hụt nhà ở giá hợp lý.

Dự án tại phường Ngọc Thụy, quận Long Biên (1.100 tỷ đồng) và khu nhà ở xã hội Tây Nam Kim Giang (hơn 3.500 tỷ đồng) đang được kêu gọi đầu tư, với mục tiêu cung cấp hàng nghìn căn hộ cho cán bộ, công chức và người thu nhập thấp – nhóm đối tượng vẫn gặp nhiều khó khăn về chỗ ở tại đô thị.

Tỉnh Hòa Bình, vốn nổi bật với địa hình đồi núi và lợi thế cảnh quan thiên nhiên, cũng ghi tên mình vào “bản đồ nóng” của bất động sản miền Bắc. TP. Hòa Bình triển khai hai dự án lớn: khu đô thị Hợp Thành (867 tỷ đồng) và Kỳ Sơn (896 tỷ đồng). Đặc biệt, huyện Lương Sơn sắp đón nhận khu đô thị sinh thái Hòa Sơn rộng hơn 261ha, kỳ vọng trở thành mô hình phát triển bền vững kết hợp giữa nghỉ dưỡng, sinh thái và dân cư lâu dài.

Loạt dự án nghìn tỷ làm nóng đô thị phía Bắc: 3 địa phương được giới đầu tư săn đón

Thực tế đã ghi nhận không ít dự án “đắp chiếu” suốt nhiều năm vì chủ đầu tư yếu kém về năng lực tài chính hoặc thiếu kinh nghiệm triển khai.

Nhà đầu tư cần tỉnh táo để tránh 'bẫy đô thị treo'

Giới chuyên gia nhận định, việc các địa phương đồng loạt tung ra các dự án quy mô lớn, được ví như “cú hích kép” – vừa hiện đại hóa hạ tầng và chỉnh trang đô thị, vừa mở ra hàng ngàn cơ hội việc làm, tạo đòn bẩy cho tăng trưởng kinh tế địa phương. Làn sóng đầu tư mới đang làm sống dậy kỳ vọng về một chu kỳ phục hồi sôi động, khi các vùng đất tiềm năng dần bừng sáng trên bản đồ phát triển đô thị phía Bắc, nơi đang được tiếp sức bởi các chủ trương sáp nhập đơn vị hành chính và mở rộng hạ tầng vùng thủ đô.

“Dòng vốn đầu tư lớn không chỉ dựng lên những khối nhà mà còn mang đến hạ tầng kỹ thuật, dịch vụ xã hội, tạo nên không gian sống hiện đại, từ đó gia tăng giá trị bất động sản và thu hút dân cư chất lượng cao,” TS. Trần Ngọc Chính – Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, nhấn mạnh.

Các chuyên gia từ BHS Group và Savills Việt Nam cho biết thêm: việc mời thầu công khai các dự án nghìn tỷ giúp doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận các quỹ đất sạch, quy hoạch rõ ràng, với vị trí chiến lược ven đô hoặc liền kề khu công nghiệp, khu hành chính mới. Đây là yếu tố được nhà đầu tư đánh giá cao, đặc biệt trong bối cảnh quỹ đất tại Hà Nội và các thành phố lớn ngày càng khan hiếm và đắt đỏ.

Ngoài ra, các dự án không chỉ giới hạn trong phân khúc nhà ở mà còn tích hợp thương mại, dịch vụ, du lịch nghỉ dưỡng, mở ra cơ hội đa dạng hóa sản phẩm và tăng tỷ suất sinh lời cho nhà phát triển dự án.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, “cơn sốt” đầu tư này cũng mang theo nhiều cảnh báo. Việc triển khai hàng loạt dự án quy mô lớn đòi hỏi sự kiểm soát chặt chẽ từ phía chính quyền, đặc biệt là trong khâu lựa chọn nhà đầu tư và đảm bảo tiến độ triển khai.

Một số trường hợp “treo dự án” trong quá khứ vì nhà đầu tư thiếu năng lực tài chính hoặc kinh nghiệm là những bài học đắt giá. Việc quy hoạch thiếu đồng bộ hoặc chạy theo phong trào có thể khiến những siêu đô thị trở thành những khu vực hoang hóa, không có sức sống.

“Các địa phương cần đặc biệt chú trọng đến tính khả thi, đồng bộ hạ tầng và nhu cầu thực tế của người dân khi mời gọi đầu tư. Còn nhà đầu tư cũng cần tỉnh táo, nghiên cứu kỹ quy hoạch vùng, tiến độ hạ tầng liên kết và sức mua tại địa phương để tránh rơi vào các dự án bẫy,” chuyên gia BHS Group lưu ý.