Từ đầu tháng 10/2022 đến nay, liên tiếp xảy ra tình trạng hàng loạt cửa hàng xăng dầu treo biển đóng cửa, không phục vụ bán xăng cho người dân.

Một số cửa hàng lấy lý do là không còn xăng để bán, xe cung ứng xăng về chậm, đang chờ thông tin về giá xăng mới hay phải nhập xăng dầu từ các doanh nghiệp đầu mối với giá cao kéo theo mức chiết khấu cực kì thấp, còn chưa kể đến các chi phí khác như điện, nước, thuê nhân viên, mặt bằng...

Nếu tiếp tục cung cấp xăng dầu ra thị trường sẽ không có lãi thậm chí thua lỗ nặng nên họ treo biển tạm ngừng bán hàng.

Việc các cửa hàng tạm ngừng bán xăng hàng loạt một cách đột ngột, một mặt có thể khiến người dân cảm thấy "ức chế" vì có thể phải sang địa phương hoặc tỉnh/thành phố khác để tìm nơi đổ xăng, mặt khác hành vi này còn vi phạm quy định của pháp luật.

Cơ quan chức năng đã vào cuộc xử lý nhiều doanh nghiệp, cửa hàng vi phạm ở Hà Nam, Bình Thuận và TP. HCM… và Bộ Công Thương cũng đã ra quyết định thu hồi giấy phép hoạt động của 6 doanh nghiệp phân phối xăng, dầu do không đủ điều kiện hoặc có hành vi vi phạm.

Để lập lại trật tự và bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng, Bộ Công Thương yêu cầu tăng tần suất thanh tra, kiểm tra định kỳ kết hợp đột xuất việc niêm yết giá và giá bán cụ thể, trang thiết bị, cơ sở vật chất... kiên quyết xử lý nghiêm các vi phạm.

Theo các chuyên gia ngành Luật, hành vi cố tình không bán xăng tùy theo tính chất, mức độ, hậy quả và thiệt hại thì cá nhân, tổ chức vi phạm có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định.

Cơ sở kinh doanh không được tự ý đóng cửa, ngừng bán xăng dầu mà phải thông báo cho cơ quan có thẩm quyền biết. Nếu ngừng bán xăng dầu, cơ sở kinh doanh phải thông báo bằng văn bản về thời hạn ngừng bán xăng dầu cho Sở Công Thương nơi cấp giấy phép kinh doanh xăng dầu và phải nêu rõ lý do ngừng bán xăng dầu.

Hành vi không bán hàng, ngừng bán hàng khi chưa được cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền chấp thuận bằng văn bản hoặc không thông báo cho cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền theo quy định có thể bị xử phạt vi phạm hành chính theo Điều 35 Nghị định 99/2020/NĐ-CP, theo đó, sẽ bị xử phạt từ 10 - 20 triệu đồng đối với tổ chức, từ 5 - 10 triệu đối với cá nhân.

Nếu đủ yếu tố cấu thành tội đầu cơ theo quy định tại Điều 196 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi bổ sung 2017, người nào lợi dụng tình hình khan hiếm hoặc tạo ra sự khan hiếm giả tạo trong tình hình thiên tai, dịch bệnh, chiến tranh hoặc tình hình khó khăn về kinh tế mua vét hàng hóa thuộc danh mục mặt hàng bình ổn giá hoặc thuộc danh mục hàng hóa được Nhà nước định giá nhằm bán lại để thu lợi bất chính có thể bị phạt tù cao nhất là 15 năm, pháp nhân thương mại có thể bị phạt tiền lên đến 9 tỷ đồng.