Cuộc chiến giành thị phần quyết liệt

Trong những năm gần đây, 3 thương hiệu dẫn đầu chuỗi nhà thuốc là những cái tên quen thuộc như: Long Châu của FPT Retail, Pharmacity, hay An Khang của Thế Giới Di Động. Tuy nhiên phần lớn thị phần vẫn nằm trong tay các nhà thuốc nhỏ lẻ, còn các chuỗi lớn ngoài Long Châu thì dường như vẫn đang gồng lỗ.

Báo cáo tình hình kinh doanh 6 tháng đầu năm 2023 của Thế Giới Di Động cho thấy, tính đến cuối tháng 6, An Khang có tổng cộng 537 nhà thuốc trên toàn quốc. Con số này ít hơn đáng kể so với mốc 1.243 nhà thuốc mà chuỗi bán lẻ dược phẩm Long Châu có trên toàn quốc, tính tới ngày 30/6.

Thực tế, Nhà thuốc An Khang và Pharmacity cũng đang dần có những bước đi thận trọng hơn nhằm tiến đến lợi nhuận thay vì ồ ạt mở rộng độ phủ như trước đây. Từ giữa năm 2022 đến nay, Pharmacity đã đóng cửa gần 200 cửa hàng, Thế gới di động đã tuyên bố tạm ngưng mở rộng, chỉ giữ lại những cửa hàng An Khang có lợi nhuận.

Ngược lại, Long Châu hiện đang ưu tiên mở nhanh cửa hàng, với kế hoạch mở thêm 400 cửa hàng trong năm 2023, nâng tổng số đến cuối năm đạt khoảng 1.400 – 1.500 nhà thuốc, đồng thời mở rộng ở khắp các tỉnh thành cả nước. Tính đến cuối năm 2022, doanh thu FPT Long Châu ghi nhận mức doanh thu đáng chú ý với con số ấn tượng 9.596 tỷ đồng, tăng gấp 2,4 lần so với năm 2021. Duy trì lãi nhẹ trong năm 2022. Tính đến cuối tháng 6/2023, hệ thống Long Châu đã nâng số lượng nhà thuốc có doanh thu lên đến 1.243 nhà thuốc, mở mới 306 nhà thuốc so với đầu năm, hoàn thành 77% kế hoạch mở mới năm 2023. Với quy mô này, Long Châu đã đi đầu các chuỗi dược phẩm hiện nay.

Long Châu, An Khang hay Pharmacity sẽ ra sao khi Đại gia Hàn Quốc rót tiền vào ngành dược phẩm Việt Nam?

Đối thủ nặng ký xuất hiện

Theo Business Korea, mới đây, Tập đoàn Dongwha Pharm (Hàn Quốc) thông báo đã ký hợp đồng mua 51% cổ phần của Trung Sơn Pharma, một công ty đang điều hành chuỗi nhà thuốc ở Việt Nam.

Trong hồ sơ gửi lên Sở Giao dịch chứng khoán Hàn Quốc, Dongwha Pharm cho biết đã chi gần 30 triệu USD để mua lại 51% cổ phần Trung Sơn Pharma, tương đương mức định giá lên đến 60 triệu USD (hơn 1.412 tỷ đồng).

Dự kiến, thương vụ sẽ hoàn tất vào 31/10 tới đây. Đây là bước đi giúp Dongwha Pharm thâm nhập thị trường Việt Nam với các loại thuốc không kê đơn như Whal Myung Su, Each Paste và Pancold. Do nhu cầu ngày càng tăng đối với các sản phẩm liên quan đến vitamin, hồng sâm và làm đẹp tại Việt Nam, tập đoàn đến từ Hàn Quốc có kế hoạch tăng cường cung cấp sản phẩm của mình với các sản phẩm bổ sung sức khỏe và mỹ phẩm.

Trung Sơn Pharma được thành lập vào năm 1997, với quy mô chuỗi hơn 140 cửa hàng, tập trung chính ở Tp. Cần Thơ, tỉnh An Giang, Cà Mau và có 2 chi nhánh tại Tp.HCM. Ngoài ra, Trung Sơn Pharma còn sở hữu một thẩm mỹ viện Trung Sơn Cosmetic, một trung tâm mỹ phẩm và một trang thương mại điện tử TrungSonCare.com.

Công ty cung cấp nhiều loại thuốc các sản phẩm bao gồm thuốc kê đơn và thuốc không kê đơn, thực phẩm bổ sung sức khỏe, mỹ phẩm, thiết bị y tế và các sản phẩm chăm sóc sức khỏe và sắc đẹp (H&B).

Dongwha Pharm là ông lớn thứ 2 của Hàn Quốc gia nhập thị trường bán lẻ dược phẩm tại Việt Nam. Trước đó là SK Group – đơn vị đứng sau Pharmacity với giá trị đầu tư được cho là lên tới 100 triệu USD hồi đầu năm 2021.

Long Châu, An Khang, Pharmacity chuẩn bị gì cuộc chiến thị phần khi đại gia Hàn Quốc đổ bộ vào Trung Sơn?

Thông qua hợp tác với Dongwha Pharm, Trung Sơn Pharma không giấu tham vọng tăng cường hơn nữa sự hiện diện của họ lên 460 cửa hàng vào năm 2026, tức gấp 3 lần hiện tại và tiến vào thành phố lớn - nơi Pharmacity, Long Châu, An Khang... đang tranh nhau quyết liệt.

Về kết quả kinh doanh, theo tờ Business Korea, năm 2022 với 140 cửa hàng, Trung Sơn Pharma đạt khoảng 56,5 triệu USD doanh thu, tức hơn 1.340 tỷ đồng, với tốc độ tăng trưởng trung bình hàng năm 46% kể từ 2019.

2019 cũng là năm ngành dược sôi động, trong đó "chất xúc tác" là đại dịch Covid-19 đưa nhu cầu về chăm sóc sức khoẻ, thuốc thang tăng cao.

Cùng năm, Long Châu đạt 9.596 tỷ đồng doanh thu thuần với 937 cửa hàng và An Khang có doanh thu là 1.500 tỷ đồng với 500 hiệu thuốc (số liệu tính đến hết năm 2022).

Long Châu, An Khang hay Pharmacity sẽ ra sao khi Đại gia Hàn Quốc rót tiền vào ngành dược phẩm Việt Nam?

Như vậy, trung bình mỗi cửa hàng Trung Sơn Pharma mang về hơn 9,6 tỷ đồng doanh thu, tương đương với Long Châu là 10,2 tỷ đồng và cao hơn An Khang (trung bình mỗi cửa hàng bán lẻ dược phẩm của Chủ tịch Nguyễn Đức Tài kiếm được 3 tỷ đồng/năm).

Đến nay con số lợi nhuận của Trung Sơn Pharma vẫn chưa được công bố, tuy nhiên trong Top 3 đường đua lợi nhuận của ngành bán lẻ dược phẩm Việt Nam hiện tại thì chỉ có Long Châu của FPT Retail báo có lãi.

Dù cuộc đua khó nhằn như vậy, song Đại gia Hàn Quốc vẫn rót vốn khủng, điều đó cho thấy thị trường ngành dược Việt Nam vẫn còn nhiều cơ hội. Tập đoàn Dongwha nhấn mạnh, thương vụ lần này và 1 bước đi quan trọng trong chiến lược mở rộng thị trường Dược phẩm ra Đông Nam Á của Tập đoàn này. Để tăng tính hiệu quả, Trung Sơn Pharm sau khi vềg tay Đại gia Hàn Quốc sẽ tập trung nhiều hơn vào sản phẩm, thực phẩm chức năng và bảo vệ sức khỏe - thế mạnh của Dongwha.

Với quy mô dân số 100 triệu người, thu nhập người dân ngày càng được cải thiện và ngày càng quan tâm tới sức khỏe, bán lẻ dược phẩm được đánh giá là thị trường đầy hấp dẫn. Ước tính, tổng chi tiêu cho y tế tăng từ 16,1 tỷ USD năm 2017 lên hơn 20 tỷ USD năm 2021 và dự kiến đạt 23,3 tỷ USD vào năm 2025, đạt 33,8 tỷ USD vào năm 2030 với tốc độ tăng trưởng trung bình giai đoạn 2020 - 2030 là 7,6%. Dù bán lẻ dược phẩm là thị trường có dư địa tăng tăng trưởng lớn, nhưng cạnh tranh trong ngành rất quyết liệt. Việc Trung Sơn Pharm có chiến lược tăng tốc sẽ khiến các ông lớn trong ngành xâu xé khốc liệt để giành được “miếng bánh ngon nhất”.