![]() |
Tại khu dân cư số 9, phường Dịch Vọng Hậu, căn nhà nhỏ của thầy Đinh Ngọc Sơn – nguyên Phó Trưởng khoa Phát thanh - Truyền hình, Học viện Báo chí và Tuyên truyền – bỗng trở nên rộn rã hơn thường ngày. Bên trong, hơn chục cô bác đã ở tuổi xế chiều ngồi sát bên nhau, tay cầm điện thoại thông minh, mắt chăm chú lắng nghe thầy hướng dẫn:
“Đây, bác bấm vào biểu tượng micro này, rồi nói: ‘Tôi muốn nghe nhạc Trịnh Công Sơn’, AI sẽ tìm giúp ngay”.


Lớp học đặc biệt này cả giáo viên và học viên cũng là những người đặc biệt khi bắt đầu lại sau khi đã về nghỉ hưu, nhưng trong ánh mắt của những học viên đã ngoài 65 tuổi vẫn ánh lên sự háo hức, như thể họ đang sống lại buổi học đầu tiên của thời niên thiếu.
“Tôi từng là nhà giáo, làm truyền thông hơn 30 năm. Khi nghỉ hưu, tôi trở thành Bí thư Chi bộ khu dân cư. Tôi nhận ra có một khoảng cách rất lớn giữa tốc độ phát triển của công nghệ và khả năng tiếp cận của người cao tuổi. Họ là những người có thời gian, có tinh thần cầu thị, nhưng lại không có ai hướng dẫn cụ thể. Vậy thì tại sao tôi không làm điều đó?” – thầy Đinh Ngọc Sơn bắt đầu câu chuyện bằng một lý do giản dị.
Trong khi cả xã hội nói về chuyển đổi số, về trí tuệ nhân tạo, thì ở nhiều căn hộ trong các khu dân cư, người cao tuổi vẫn lặng lẽ xoay sở với chiếc điện thoại – thứ mà họ thậm chí còn chưa biết cách dùng camera, hoặc vẫn e dè khi “lên mạng” vì sợ bị lừa đảo. Thầy Sơn thấu hiểu nỗi e ngại ấy. Và ông biết rằng, để giúp họ, điều đầu tiên không phải là dạy công nghệ – mà là thay đổi nhận thức.
“Tôi thường bắt đầu bằng những ví dụ gần gũi: Làm sao để gọi video cho cháu nội ở Úc? Làm sao để biết hôm nay nên ăn gì với nguyên liệu sẵn có trong tủ lạnh? Khi họ thấy công nghệ gắn liền với đời sống, họ sẽ dần bớt sợ” – thầy kể.
Lớp học của thầy Sơn không có ngân sách, không giấy mời, chẳng một nguồn quỹ hỗ trợ nào. Mọi thứ bắt đầu từ chính phòng khách chưa đầy 20m² trong ngôi nhà nhỏ của ông. Mỗi khoá học kéo dài khoảng một tuần, gồm 3 buổi, thường tổ chức 3 lớp luân phiên để đáp ứng nhu cầu. Có lớp học sáng, có lớp học tối – linh hoạt theo sinh hoạt của người cao tuổi.

“Tiêu chí duy nhất là có tinh thần tích cực và một chiếc smartphone còn dùng được. Những thứ còn lại, tôi lo”.
Dù hoàn toàn miễn phí, lớp học luôn kín chỗ. Cụ ông 85 tuổi – từng là giáo sư đại học, cụ bà 70 tuổi – lần đầu chạm vào điện thoại thông minh, họ ngồi cùng bàn, cùng học, cùng sai, cùng sửa. Mỗi buổi học là một cuộc phiêu lưu mới, nơi công nghệ không còn là rào cản mà trở thành công cụ để kết nối và sáng tạo.
“Không ai là quá chậm cả. Có bác chậm tay, tôi cầm tay chỉ từng thao tác. Có bác không nhìn rõ, tôi in chữ to, dùng tai nghe. Có bác bấm nhầm, tôi chỉ cười: ‘Không sao đâu, công nghệ cũng cần thời gian để hiểu bác mà’”.

Một trong những điểm sáng tạo nhất của lớp học AI này chính là phương pháp tiếp cận khác biệt: không nhồi nhét lý thuyết, không dạy thuật ngữ chuyên môn, mà tập trung vào trải nghiệm thực tế và giải pháp cho đời sống hằng ngày.
“Tôi không dạy ‘machine learning’, không nói về ‘thuật toán’. Tôi ví AI như một cô giúp việc thông minh: bác bảo nó bật nhạc, nó bật. Bác hỏi thời tiết hôm nay, nó trả lời. Khi đưa ra ví dụ như vậy, người học thấy dễ hiểu hơn nhiều” – thầy Sơn chia sẻ.
Nội dung khoá học xoay quanh ba trục chính:
Kỹ năng sử dụng smartphone và ứng dụng AI: Trợ lý ảo, bản đồ số, đặt lịch khám bệnh, dịch ngôn ngữ…
An toàn công nghệ: Cách nhận biết tin giả, email lừa đảo, bảo vệ thông tin cá nhân.
Ứng dụng thực tế – giải trí, sáng tạo, kết nối: Tạo thơ bằng AI, làm video TikTok, tra thực đơn bữa ăn, tra cứu thông tin y tế.
Sau khoá học, bác Dương Sơn Thạc đã lập một kênh TikTok riêng để chia sẻ các video hài hước, thu hút không chỉ cháu chắt trong nhà mà còn cả nhiều bạn trẻ. Có học viên dùng AI để sáng tác thơ tặng vợ. Có người làm clip kỷ niệm ngày cưới bằng ảnh và nhạc AI – điều mà trước đây họ chưa từng nghĩ tới.
Nhiều bác cao tuổi khác đã biết cách dùng AI để sáng tạo bài hát: chỉ cần nhập lời thơ hoặc vài ý tưởng, AI sẽ tạo ra giai điệu – điều mà trước kia họ nghĩ chỉ có nhạc sĩ chuyên nghiệp mới làm được. Những thay đổi ấy không chỉ mang lại niềm vui, mà còn khiến cuộc sống trở nên phong phú và ý nghĩa hơn.

Có những thay đổi rất nhỏ nhưng đầy cảm động: một bác từng sợ làm hỏng điện thoại, giờ có thể tự gửi tin nhắn và ảnh cho con cháu. Một cụ bà từng ngại hỏi con trai, giờ có thể tự tra cứu thông tin sức khỏe, tự đặt lịch xét nghiệm. Và không ít “cặp vợ chồng tóc bạc” sau khoá học đã biết cách dùng ChatGPT và ứng dụng tạo video để làm clip nhạc tặng nhau dịp kỷ niệm ngày cưới.

Một nội dung không thể thiếu trong chương trình học là kỹ năng phòng chống lừa đảo công nghệ – vấn đề đang ngày càng phổ biến và phức tạp. Thầy Sơn dạy học viên cách nhận diện tin nhắn mạo danh ngân hàng, cách kiểm tra số tài khoản lạ, và cách tránh bị dụ dỗ bởi các quảng cáo ảo tràn lan trên mạng xã hội.
“Dùng mạng xã hội chỉ cần nhớ hai nguyên tắc: một là không sợ ai, hai là không tham. Thế là đủ” – thầy Sơn đúc kết ngắn gọn.
Bà Trần Thu Hiền gật gù sau khóa học: “Tôi thấy tự tin hẳn khi dùng mạng. Trước kia cứ thấy tin gì là sợ, giờ thì biết kiểm tra, biết phản ánh. Mình không bị lừa nữa!”.


Điều khiến thầy Sơn tự hào không chỉ là số lượng người tham gia lớp học, mà còn là hiệu ứng lan tỏa sau mỗi khóa: “Tôi nói với các bác: hãy học như phong trào bình dân học vụ xưa. Ai biết thì chỉ lại cho người chưa biết. Khi một cụ bà có thể hướng dẫn hàng xóm tra cứu thuốc online hay đặt lịch khám bệnh qua app, thì công nghệ mới thực sự đi vào đời sống”.
Từ một mô hình tự phát trong tổ dân phố, lớp học AI dành cho người cao tuổi của thầy Sơn đã trở thành hình mẫu được nhân rộng tại nhiều phường, chi hội phụ nữ, hội cựu chiến binh. Hội Phụ nữ phường Dịch Vọng Hậu đã mời thầy giảng dạy trong lớp tập huấn chuyên biệt. Các cán bộ phường lân cận cũng đến tham quan, học hỏi mô hình.
Sau khóa học, một số học viên đề xuất tổ chức cuộc thi ảnh – video dành cho người cao tuổi trong khu dân cư với chủ đề “Khu phố thời công nghệ”. Người dự thi chụp ảnh, quay clip đời sống thường ngày rồi dùng AI để chỉnh sửa, thêm nhạc, hiệu ứng.
“Có cụ gửi ảnh khu phố ngày xưa còn ngập lụt, rồi ghép với cảnh khang trang hiện nay. Có nhóm phụ nữ đi tắm suối nước nóng về, làm video kể lại hành trình. Các bác sáng tạo và hào hứng hơn tôi tưởng!.
Lớp học không chỉ là nơi người cao tuổi học hỏi, mà còn là nơi kết nối những mảnh ghép gia đình từng lỏng lẻo vì khoảng cách công nghệ. Nhiều học viên chia sẻ: sau khi học AI, họ có thể nói chuyện với cháu về ChatGPT, cùng tìm nhạc, cùng xem TikTok.

“Trước kia, ông bà không hiểu cháu nói gì, cháu cũng ngại giải thích. Giờ cả hai có một ngôn ngữ chung”- Đó chính là sợi dây kết nối thế hệ quan trọng nhất!
“Người già thường bị nói ‘già rồi thì sống an yên đi’. Nhưng già không học mới là già thật. Nếu còn học bằng niềm vui, bằng cảm hứng, thì không ai là quá già để bắt đầu lại”, câu nói giản dị của thầy Đinh Ngọc Sơn thực sự là lời truyền cảm hứng.
Từ một căn phòng nhỏ trong khu dân cư bình dị, một lớp học không bảng đen, không học phí, đã trở thành nơi truyền lửa, kết nối thế hệ và khơi dậy triết lý sống tích cực trong thời đại số.
