4 sàn trong nghiên cứu là Shopee, Lazada, Tiki và TikTok Shop. Kết quả tăng trưởng rõ rệt không đồng nghĩa với việc các gian hàng TMĐT nở rộ. Ngược lại, số lượng shop phát sinh đơn hàng trong cùng giai đoạn giảm hơn 80.000 so với nửa đầu năm 2024 và giảm hơn 55.000 so với nửa cuối năm 2024. Hiện tượng này cho thấy một bước lọc tự nhiên mạnh mẽ, chỉ những cửa hàng có nền tảng vững và uy tín mới duy trì được hoạt động.
Sự “tồn tại của các shop lớn” tạo nên xu hướng tập trung hoá rõ nét trong ngành. Các gian hàng nhỏ lẻ, ít có sự đầu tư vào hệ thống, dịch vụ và quảng bá, đang gặp khó khăn hơn trong cạnh tranh.
TikTok Shop trở thành hiện tượng tiêu biểu của sự thay đổi trong hành vi tiêu dùng. Doanh thu của sàn này tăng đến 69% chỉ trong nửa đầu năm, kéo thị phần từ 29% lên 39%. Thành công này đến từ việc nội dung liên tục sinh động, tích hợp trải nghiệm giải trí và mua sắm (livestream, video ngắn), phù hợp với thế hệ người tiêu dùng trẻ.
![]() |
Shopee vẫn đang dẫn đầu thị phần TMĐT tại Việt Nam. Ảnh minh họa |
Trong khi đó, Shopee, dù vẫn dẫn đầu với 58% thị phần, đã giảm đáng kể so với mức 63% cùng kỳ năm ngoái. Đây là tín hiệu cảnh báo về áp lực cạnh tranh ngày càng gay gắt.
Không như Shopee và TikTok Shop, hai nền tảng Lazada và Tiki lại chứng kiến sự đi xuống đáng kể trong doanh số: giảm lần lượt 48% và 63%. Kết quả là, thị phần của những nền tảng này ngày càng teo tóp, phản ánh khả năng thích nghi kém trong một thị trường đang chuyển đổi mạnh mẽ về chất lượng nội dung và trải nghiệm người dùng.
Một điểm sáng khác của thị trường là sự tăng trưởng ấn tượng của Shop Mall – những gian hàng chính hãng, do thương hiệu quản lý trực tiếp. Mặc dù chỉ chiếm 3,4% số lượng gian hàng, nhóm này lại đóng góp tới 29% tổng doanh số trên Shopee và TikTok Shop. Điều này cho thấy người tiêu dùng đang tìm đến những thương hiệu có thương hiệu và cam kết chất lượng, nhằm tránh mua phải hàng kém chất lượng hoặc dịch vụ không đảm bảo.
Bên cạnh đó, các mặt hàng nhập khẩu ghi nhận doanh số 7.500 tỷ đồng với hơn 164 triệu sản phẩm được bán ra. Mặc dù tốc độ tăng trưởng doanh số chỉ ở mức gần 7% và doanh số không tăng nhiều, nhưng giá trị đơn hàng trung bình (khoảng 45.600 đồng/sản phẩm) vẫn giữ vững, phản ánh xu hướng tiêu dùng số lượng lớn với chi phí hợp lý.
![]() |
Các tài xế đang phải chịu áp lực lớn khi nhu cầu mua hàng online tăng. Ảnh minh họa |
Cùng với nhu cầu mua sắm trực tuyến tăng mạnh, lực lượng giao hàng (shipper) đang chịu áp lực lớn. Có những ngày, mỗi tài xế phải giao từ 200 – 300 đơn hàng từ trưa đến tối, phải chạy xuyên trưa, chất hàng thành đống dưới nền tòa chung cư, văn phòng để người nhận có thể tới lấy kịp thời. Sự bùng nổ của các ngày sale lớn như 11/11, lễ Tết, tạo ra những giai đoạn cực đại, buộc các shipper phải “chạy đua” không nghỉ để trả lô hàng cho người nhận đúng giờ.
Dự báo của Metric.vn cho quý III cho thấy doanh số có thể đạt 122.800 tỷ đồng với hơn 1,23 triệu đơn hàng, tương ứng mức tăng 21% về doanh số và 27% về sản lượng so với quý II. Sức bật này đến từ các chương trình khuyến mãi mùa hè, “Back to School” và nhu cầu tiêu dùng nhóm hàng thiết yếu, thực phẩm, chăm sóc sức khỏe mùa cao điểm.
Các sàn TMĐT đã chủ động đầu tư mạnh mẽ vào hạ tầng logistics, đẩy mạnh livestream bán hàng và tạo các ưu đãi vận chuyển, nhằm tối đa hóa trải nghiệm người dùng và gia tăng tỉ lệ chuyển đổi đơn hàng.