Xuất khẩu ớt đạt 3 triệu USD chỉ trong quý I/2025

Theo số liệu thống kê sơ bộ của Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA), trong 3 tháng đầu năm 2025, Việt Nam xuất khẩu được 849 tấn ớt, tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 3,0 triệu USD.

So với cùng kỳ năm 2024 lượng xuất khẩu giảm 73,0%, kim ngạch giảm 63,3%. Đứng đầu xuất khẩu là thị trường Lào đạt 451 tấn, chiếm 53,1% thị phần xuất khẩu, theo sau là Trung Quốc và Mỹ.

Một loại quả trồng khắp Việt Nam là gia vị triệu đô cực hút hàng thế giới: Lào, Trung Quốc mê mẩn, thu về 3 triệu USD chỉ sau 3 tháng
Ớt là loại quả không còn xa lạ gì với người tiêu dùng Việt - Ảnh: Internet

Ớt là loại quả không còn xa lạ gì với người tiêu dùng Việt Nam. Người nông dân ví cây ớt là loại cây "một vốn mười lời" vì có đặc điểm sinh trưởng ngắn ngày, dễ chăm sóc, có thể trồng xen với cây ăn quả, phù hợp với nhiều điều kiện khí hậu – đất đai của Việt Nam.

Thông thường, nông dân sẽ gieo giống vào tháng 9 đến tháng 11 hằng năm. Sau khoảng 2 tháng, ớt bắt đầu cho thu hoạch kéo dài 3–4 đợt trong vòng 3 tháng.

Các “thủ phủ ớt” của Việt Nam

Theo Cục Trồng trọt, các tỉnh trồng ớt nhiều nhất là Đồng Tháp, An Giang, Tiền Giang, Sóc Trăng, Trà Vinh, Vĩnh Long, với tổng diện tích hơn 7.000 ha, sản lượng khoảng 100.000 tấn/năm.

Tại khu vực Tây Nguyên, diện tích trồng ớt cũng đạt 4.000–5.000 ha, sản lượng khoảng 60.000 tấn/năm.

Một loại quả trồng khắp Việt Nam là gia vị triệu đô cực hút hàng thế giới: Lào, Trung Quốc mê mẩn, thu về 3 triệu USD chỉ sau 3 tháng
Ớt không chỉ là nguyên liệu quen thuộc trong các món ăn truyền thống mà còn được đánh giá cao bởi giá trị dược liệu và kinh tế - Ảnh: Internet

Riêng huyện Thanh Bình (Đồng Tháp) được mệnh danh là “vựa ớt lớn nhất miền Tây”, với diện tích gần 2.000 ha/năm, sản lượng hơn 22.500 tấn/năm. Các xã vùng cù lao, ven sông Tiền là khu vực canh tác chính, với năng suất bình quân trên 10 tấn/ha.

Ngoài ra, Lạng Sơn cũng là “điểm sáng” trong bản đồ trồng ớt phía Bắc. Năm 2023, diện tích trồng ớt tại tỉnh đạt 1.479 ha, tăng 91 ha so với năm 2022, cho thấy sức hút của loại cây này ngày càng tăng.

Ớt không chỉ là nguyên liệu quen thuộc trong các món ăn truyền thống mà còn được đánh giá cao bởi giá trị dược liệu và kinh tế. Nhiều nghiên cứu cho thấy ớt chứa capsaicin – hoạt chất có tác dụng chống viêm, hỗ trợ trao đổi chất và tốt cho hệ tim mạch. Ngoài ra, màu sắc rực rỡ của ớt cũng được tận dụng trong ngành công nghiệp thực phẩm để tạo màu tự nhiên.

Từ cánh đồng quê Việt đến những đơn hàng triệu đô xuất ngoại, cây ớt ngày càng chứng minh giá trị vượt ra khỏi danh nghĩa “gia vị phụ”. Trong bối cảnh nông nghiệp hướng đến xuất khẩu và giá trị gia tăng, ớt đang trở thành “người hùng thầm lặng” giúp nông dân đổi đời.