Phú Yên là tỉnh ven biển Nam Trung Bộ, phía đông dãy Trường Sơn với 70% diện tích là đồi núi. Diện tích tự nhiên toàn tỉnh là 5.023,4km2. Từ một địa phương có xuất phát điểm thấp về kinh tế so với các tỉnh trong khu vực, Phú Yên có sự phát triển vượt bậc, tạo nền tảng và động lực cho sự phát triển mạnh mẽ của tỉnh trong tương lai.

CTCP Sài Gòn - Lâm Đồng
Tỉnh Phú Yên có 3 mặt giáp biển

Tăng trưởng GRDP lần đầu lọt top 10 cả nước

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, năm 2023, kinh tế - xã hội của tỉnh Phú Yên tiếp tục phục hồi tích cực và đạt những kết quả quan trọng trên nhiều lĩnh vực, thực hiện đạt và vượt 16/17 chỉ tiêu chủ yếu.

Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) năm 2023 ước đạt 9,16% (vượt kế hoạch đề ra), đứng thứ 10 trong cả nước và thứ 3 khu vực miền Trung - Tây nguyên. GRDP bình quân đầu người ước tính 65,2 triệu đồng, tăng 13,4% so với năm 2022.

Sản xuất nông - lâm - thủy sản ổn định. Giá trị sản xuất công nghiệp vượt gần 8% kế hoạch, tăng 13% so với cùng kỳ. Hoạt động du lịch, dịch vụ tăng trưởng mạnh; tổng lượt khách du lịch đến Phú Yên năm 2023 đạt 3,2 triệu lượt, tăng gần 44%.

Về chỉ tiêu thu ngân sách, ước thực hiện năm 2023 đạt 4.000 tỷ đồng, bằng 78% dự toán Trung ương giao, bằng 50% dự toán tỉnh giao và bằng 78,2% so với cùng kỳ.

Theo lãnh đạo Sở Tài chính, hụt thu lớn nhất trong năm 2023 là nguồn thu từ sử dụng đất, chỉ đạt 1.000 tỷ đồng, trong khi chỉ tiêu đầu năm tỉnh đưa ra là 5.074 tỷ đồng. Thứ 2 là hụt thu thuế bảo vệ môi trường (190 tỷ đồng) do thực hiện chính sách miễn, giảm thuế theo nghị quyết của Quốc hội. Tuy nhiên, đáng chú ý, thu trong cân đối vẫn đạt và vượt chỉ tiêu đề ra.

Quy hoạch sẽ có 18 đô thị, trở thành trung tâm kinh tế biển của khu vực

Theo Quy hoạch tỉnh Phú Yên thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, tỉnh đặt một số mục tiêu như: Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm (GRDP) bình quân thời kỳ 2021-2030 đạt khoảng 8,5-9%/năm; GRDP bình quân đầu người đến năm 2030 đạt khoảng 150-156 triệu đồng; tốc độ tăng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn (không kể thu tiền sử dụng đất) bình quân 9-10%/năm; tổng lượt khách du lịch đạt 7.000.000 lượt khách...

CTCP Sài Gòn - Lâm Đồng
Tỉnh Phú Yên sẽ có 18 đô thị vào năm 2030

Theo quy hoạch, tỉnh này sẽ có 18 đô thị vào năm 2030 gồm: 1 đô thị loại I (TP. Tuy Hòa), 1 đô thị loại II (TP. Sông Cầu), 1 đô thị loại III (thị xã Đông Hòa), 6 đô thị loại IV (Củng Sơn, Phú Thứ, Tuy An, La Hai, Hai Riêng, Phú Hòa) và 9 đô thị loại V (Tân Lập, Sơn Long, Sơn Thành Đông, Hòa Trị, Xuân Phước, Xuân Lãnh, Trà Kê Sơn Hội, Hòa Mỹ Đông, Phong Niên).

Trong đó, TP. Tuy Hòa là đô thị trung tâm của tỉnh Phú Yên. Khu vực Đông Hòa là trung tâm công nghiệp, hậu cần của tỉnh, phát triển Khu kinh tế Nam Phú Yên theo hướng đô thị dịch vụ, công nghiệp và logistics, liên kết với khu kinh tế Bắc Vân Phong (tỉnh Khánh Hòa). Riêng về phía Bắc của TP. Tuy Hòa ưu tiên phát triển các khu du lịch nghỉ dưỡng cao cấp, khu vực tập trung các cơ sở giáo dục - đào tạo cấp vùng.

Mục tiêu đến năm 2030, Phú Yên trở thành tỉnh phát triển theo hướng hiện đại và bền vững. Kinh tế phát triển dựa trên lợi thế biển với các trụ cột: công nghiệp (luyện kim, lọc, hóa dầu, năng lượng...); du lịch dịch vụ chất lượng cao; nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; vận tải biển và logistics… Đến năm 2050, Phú Yên là trung tâm kinh tế biển của vùng Duyên hải Trung bộ và những đô thị ven biển sẽ thu hút đông đảo khách du lịch, có môi trường đáng sống của vùng và cả nước.