Ngày 11/6/2025, Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) chính thức khởi xướng cuộc điều tra chống bán phá giá và chống trợ cấp đối với sản phẩm gỗ dán cứng và gỗ dán trang trí nhập khẩu từ Trung Quốc, Indonesia và Việt Nam. Phía Hoa Kỳ cáo buộc gần 100 doanh nghiệp Việt Nam nhận được trợ cấp và bán phá giá, với biên độ bị cáo buộc dao động từ 138,04% đến 152,41%.

Trong giai đoạn 2020 - 2024, Việt Nam là một trong những quốc gia xuất khẩu gỗ dán (mã HS 441233) hàng đầu vào thị trường Hoa Kỳ. Riêng năm 2024, kim ngạch xuất khẩu đạt 669,79 nghìn m3, tương đương 310,73 triệu USD, chiếm hơn 30% thị phần. Sự tăng trưởng nhanh chóng cùng tỷ trọng lớn đã khiến Việt Nam trở thành một trong những đối tượng bị đề nghị điều tra trong hồ sơ mà Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) tiếp nhận, theo kiến nghị từ Liên minh Thương mại Công bằng đối với ván ép gỗ cứng.

Tại Tọa đàm "Thương mại gỗ và sản phẩm gỗ giữa Việt Nam và Hoa Kỳ" diễn ra vào cuối tháng 6 vừa qua, bà Ashley Amidon - Giám đốc điều hành Hiệp hội Sản phẩm gỗ Quốc tế Hoa Kỳ (IWPA) cho biết cơ quan chức năng Mỹ đặc biệt quan tâm đến tính minh bạch về nguồn gốc nguyên liệu. Chứng chỉ chỉ là yếu tố phụ, còn yếu tố bắt buộc là minh chứng rõ ràng về nguồn gỗ. Ngoài ra, người tiêu dùng Mỹ không đặt nặng xuất xứ của gỗ mà chủ yếu chú trọng vào giá cả cạnh tranh.

Nếu quy trình điều tra diễn ra đúng tiến độ, các mức thuế sơ bộ có thể được áp dụng từ quý IV/2025. Do đó, IWPA khuyến nghị các doanh nghiệp Việt Nam cần theo dõi sát thông tin về Đơn đăng ký mức thuế riêng biệt (SRA) do Bộ Thương mại Hoa Kỳ dự kiến công bố vào cuối tháng 7 hoặc đầu tháng 8/2025. Bà Ashley cũng nhấn mạnh việc phản hồi đúng hạn có thể ảnh hưởng đáng kể đến mức thuế cuối cùng được áp dụng.

Mỹ khởi xướng điều tra mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam với biên độ cao nhất lên tới 152%: Gần 100 doanh nghiệp nên ứng phó như thế nào?
Mỹ mở cuộc điều tra chống bán phá giá và chống trợ cấp đối với sản phẩm gỗ dán cứng và gỗ dán trang trí nhập khẩu từ Việt Nam

Không chỉ dừng lại ở rủi ro chống bán phá giá, Chính phủ Hoa Kỳ hiện cũng đang cân nhắc áp dụng mức thuế đối ứng 46% đối với một số mặt hàng nhập khẩu, bao gồm cả sản phẩm gỗ. Điều này tiếp tục làm gia tăng áp lực đối với ngành gỗ Việt Nam, vốn đang phụ thuộc lớn vào thị trường Mỹ.

Trước tình hình đó, Chính phủ Việt Nam đang tích cực đàm phán với phía Hoa Kỳ nhằm tháo gỡ vướng mắc về thuế quan. Đồng thời, các hiệp hội và doanh nghiệp trong ngành gỗ cũng chủ động vào cuộc, tăng cường tiếp xúc, hợp tác với đối tác Hoa Kỳ.

Trong thời gian qua, Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (VIFOREST), các hiệp hội địa phương cùng nhiều doanh nghiệp đã cam kết mở rộng nhập khẩu gỗ nguyên liệu từ Hoa Kỳ, góp phần cân bằng cán cân thương mại và thúc đẩy hợp tác song phương.

Theo các chuyên gia, để ứng phó với rủi ro thương mại, doanh nghiệp Việt cần chủ động tìm kiếm thị trường mới, đặc biệt là tại các khu vực mới nổi như Trung Đông. Đồng thời, ngành gỗ cần hướng đến mục tiêu toàn bộ sản phẩm tiêu dùng trong nước và xuất khẩu phải có nguồn gốc hợp pháp, đạt chứng chỉ rừng bền vững. Hơn 80% cơ sở chế biến, bảo quản cũng cần đạt trình độ công nghệ tiên tiến nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh và đáp ứng yêu cầu quốc tế.