Bức tranh tái cấu trúc ngành ngân hàng đang bước sang giai đoạn mới khi bốn tổ chức tín dụng yếu kém từng bị kiểm soát đặc biệt chính thức được chuyển giao về các ngân hàng lớn trong hệ thống. Từ cuối năm 2024 đến đầu 2025, OceanBank, GPBank, CBBank và DongABank lần lượt về với MB, VPBank, Vietcombank và HDBank – mở ra kỳ vọng “hồi sinh” các ngân hàng “0 đồng” bằng mô hình hiện đại, đặc biệt là định hướng trở thành ngân hàng số thế hệ mới.
Không chỉ thay tên đổi chủ, quá trình tái cơ cấu đang được triển khai đồng bộ, với mục tiêu rõ ràng: khôi phục hoạt động hiệu quả và có thể sinh lời ngay trong năm đầu tiên.
Sau khi tiếp nhận OceanBank, MB đã đổi tên tổ chức này thành MBV và khẩn trương triển khai phương án tái cơ cấu theo kế hoạch đã được Ngân hàng Nhà nước phê duyệt. Chủ tịch MB Lưu Trung Thái cho biết ngân hàng sẽ góp vốn tối đa 5.000 tỷ đồng và để ngỏ nhiều mô hình tổ chức phù hợp với định hướng dài hạn, bao gồm sáp nhập, thành lập liên doanh hoặc ngân hàng TNHH có yếu tố nước ngoài.
Ông Vũ Thành Trung – Chủ tịch MBV – chia sẻ rằng ngân hàng đã xây dựng kế hoạch kinh doanh ba năm đầy đủ và đặt mục tiêu có lãi ngay trong năm 2025, nhờ sự hỗ trợ mạnh mẽ từ MB về công nghệ và các giải pháp số hóa.
![]() |
Ông Lưu Trung Thái - Chủ tịch HĐQT MB phát biểu tại Đại hội. |
Chủ tịch VPBank Ngô Chí Dũng cho biết ngân hàng đã nhận chuyển giao bắt buộc GPBank từ tháng 1/2025. Trước đó, GPBank ghi nhận khoản lỗ bình quân khoảng 1.000 tỷ đồng mỗi năm. Tuy nhiên, với sự tư vấn chiến lược từ McKinsey và chương trình tái cấu trúc đang được hoàn thiện, VPBank kỳ vọng GPBank có thể đạt lợi nhuận 500 tỷ đồng ngay trong năm nay, dù chỉ còn chưa đầy 8 tháng.
VPBank nhấn mạnh rằng tham gia đề án không nhằm mục tiêu lợi nhuận ngắn hạn, mà hướng đến mở rộng quy mô, tăng trưởng tín dụng 35% trong 5 năm tới và nâng cao vị thế trong hệ thống ngân hàng.
Ngay sau khi tiếp nhận CBBank, Vietcombank đã đổi tên thành VCBNeo và nhanh chóng thực hiện rà soát toàn diện tổ chức tín dụng này. Chủ tịch Nguyễn Thanh Tùng cho biết, ngân hàng đã hoàn tất chuyển đổi hệ thống core banking cho VCBNeo, một bước then chốt để đảm bảo an toàn công nghệ và tối ưu vận hành.
VCBNeo đang được định hướng phát triển theo mô hình ngân hàng số có tính tự chủ cao, linh hoạt và tiết kiệm chi phí, với mục tiêu phục hồi hoạt động một cách hiệu quả, bền vững.
![]() |
VPBank kỳ vọng GPBank có thể đạt lợi nhuận 500 tỷ đồng ngay trong năm nay, dù chỉ còn chưa đầy 8 tháng. |
Trong bốn thương vụ chuyển giao ngân hàng “0 đồng”, HDBank là đơn vị có sự chuẩn bị dài hạn và bài bản nhất. Theo Tổng Giám đốc Phạm Quốc Thanh, HDBank đã đồng hành cùng DongABank trong suốt hơn 5 năm trước khi chính thức tiếp nhận vào cuối năm 2024. Trong giai đoạn đó, ngân hàng đã âm thầm hỗ trợ về tài chính, nhân sự, công nghệ và cả định hướng chuyển đổi số.
Ngay sau khi tiếp quản, DongABank được đổi tên thành Vikki Digital Bank, đánh dấu bước chuyển mình mạnh mẽ từ một ngân hàng truyền thống bị kiểm soát đặc biệt sang ngân hàng số hiện đại.
HDBank đã triển khai tái cấu trúc toàn diện, bao gồm mô hình tổ chức, quản trị rủi ro, chiến lược vận hành và nhận diện thương hiệu mới. Hiện Vikki đã có mặt tại hơn 200 điểm giao dịch trên toàn quốc, mang diện mạo và mô hình hoạt động mới.
Chiến lược phát triển của Vikki Digital Bank tập trung vào nền tảng số, phục vụ nhóm khách hàng bán lẻ và doanh nghiệp SME – hai phân khúc cốt lõi trong hệ sinh thái tài chính của Tập đoàn HD.
Ông Phạm Quốc Thanh nhấn mạnh: "Chúng tôi tin rằng với sự chuẩn bị và nguồn lực từ HDBank và sự hỗ trợ từ NHNN, hợp lực từ tập đoàn tài chính HDBank, thì quá trình tái cấu trúc và phát huy thực hiện được toàn diện chiến lược của Vikki Digital Bank sẽ thành công sớm".
Theo đánh giá từ Công ty Chứng khoán VPBankS, việc hình thành các ngân hàng số thế hệ mới không chỉ giúp xử lý nợ xấu hiệu quả, mà còn mở ra cơ hội thu hút vốn ngoại, đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam gần như không cấp phép mới cho ngân hàng nước ngoài kể từ năm 2017.
Ba trong số bốn ngân hàng chuyển giao – trừ DongABank – có mạng lưới chi nhánh nhỏ, phù hợp để chuyển đổi thành ngân hàng số. Việc chuyển giao dưới mô hình công ty TNHH một thành viên cũng giúp các tổ chức này có thể bán 100% vốn cho nhà đầu tư nước ngoài mà không cần sửa đổi luật.
Ngoài ra, các ngân hàng tham gia tái cấu trúc còn được hưởng loạt ưu đãi đặc biệt từ NHNN, như hạn mức tăng trưởng tín dụng vượt trội – một lợi thế không nhỏ trong cuộc đua giành thị phần hiện nay.