Theo chuyên trang phân tích Stir, trong ba thập kỷ qua, mức độ tiêu thụ cà phê tại Nga đã gia tăng rõ rệt. Từ năm 1991 đến nay, thói quen sử dụng cà phê của người dân nước này ngày càng phổ biến, đặc biệt ở nhóm dân số trẻ. Dữ liệu từ Trung tâm Giám định Công nghiệp Rosselkhozbank cho thấy, trung bình mỗi người Nga hiện tiêu thụ khoảng 300 tách cà phê mỗi năm – tương đương 60 lít cà phê/người và tổng cộng gần 9 tỷ lít trên phạm vi cả nước.
Cà phê ngày càng trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống đô thị của giới trẻ Nga, với những lựa chọn phổ biến như cappuccino, latte, espresso hay cà phê đen nguyên chất. Khác với xu hướng cà phê mang đi phổ biến ở phương Tây, người Nga vẫn chuộng trải nghiệm tại các quán cà phê quen thuộc, nơi họ vừa thưởng thức thức uống yêu thích vừa giao lưu và thư giãn.
Mặc dù có nhu cầu cao, điều kiện khí hậu lạnh giá quanh năm khiến Nga không thể tự trồng cà phê. Thay vào đó, nước này phải phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu, trong đó Việt Nam nhiều năm liền là một trong những quốc gia xuất khẩu cà phê lớn nhất sang Nga, được người tiêu dùng địa phương đặc biệt ưa chuộng.
![]() |
Cà phê ngày càng trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống đô thị của giới trẻ Nga. Ảnh minh hoạ |
Trong năm 2024, xuất khẩu cà phê của Việt Nam sang Nga đạt 306,2 triệu USD, tăng 24,9% so với năm trước, bất chấp sản lượng có phần giảm nhẹ. Đáng chú ý, giá xuất khẩu trung bình lên tới 3.947 USD/tấn – mức tăng mạnh phản ánh xu hướng leo thang của thị trường cà phê toàn cầu. Chỉ riêng trong hai tháng đầu năm 2025, Việt Nam đã thu về 94,1 triệu USD từ thị trường Nga, tăng tới 32,2% so với cùng kỳ năm 2024, cho thấy nhu cầu ổn định và ngày càng lớn đối với cà phê Việt – đặc biệt là dòng robusta.
Năm 2024, tổng xuất khẩu cà phê của Việt Nam đạt 1,34 triệu tấn, thu về 5,62 tỷ USD – thiết lập kỷ lục mới về giá trị sau hơn 20 năm giữ vị trí là nước xuất khẩu cà phê lớn thứ hai thế giới. Giá cà phê xuất khẩu tăng đến 160% so với năm 2023, trong khi giá cà phê nhân xô tại Tây Nguyên và Nam Bộ lần đầu vượt mốc 130.000 đồng/kg. Một số lô hàng cà phê chế biến sâu thậm chí có giá lên tới 5.700 USD/tấn – cao nhất từ trước đến nay.
Theo số liệu thống kê, diện tích cà phê của cả nước hiện dao động quanh mức 600.000–700.000 ha, tập trung chủ yếu ở Tây Nguyên. Việt Nam đã xuất khẩu cà phê đến hơn 80 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó các thị trường lớn gồm Đức, Italia, Mỹ, Nga, Bỉ, Tây Ban Nha, Nhật Bản, Hàn Quốc...
Dự báo năm 2025, Việt Nam đặt mục tiêu nâng kim ngạch xuất khẩu cà phê lên 8–10 tỷ USD, với trọng tâm là mở rộng thị trường chế biến sâu và chuyển dịch lên chuỗi giá trị cao hơn. Tuy nhiên, các chuyên gia từ MXV nhận định thị trường sẽ có nhiều biến động và khó duy trì được tốc độ tăng trưởng mạnh như năm 2024. Dù vậy, giá cà phê trong năm nay vẫn được kỳ vọng giữ ở mức cao, dao động từ 110.000–120.000 đồng/kg.