Bloomberg đưa tin, phiên sáng nay (4/3), chỉ số Nikkei 225 tăng 237,73 điểm, tương đương 0,6% lên 40.301,30 điểm - mức cao nhất từ trước đến nay.

Giới phân tích dự báo đà tăng của Nikkei 225 sẽ chưa dừng lại nhờ các chỉ số chứng khoán trên phố Wall phục hồi, kết quả kinh doanh khả quan của các doanh nghiệp Nhật Bản và kỳ vọng mạnh mẽ về các công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI).

Chỉ số Topix cũng tăng nhưng vẫn thấp hơn khoảng 6% so với kỷ lục thiết lập hơn 3 thập kỷ trước đó.

Cả Nikkei và Topix đều nhận được sự hỗ trợ từ dữ liệu tiêu dùng của Mỹ. Số liệu tiêu dùng Mỹ mới được công bố làm tăng thêm kỳ vọng rằng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thể cắt giảm lãi suất sớm nhất là vào tháng 6. Đó là tín hiệu được đánh giá là có lợi cho tâm lý toàn cầu.

Nhật Bản: Chỉ số Nikkei 225 lần đầu tiên vượt ngưỡng 40.000 điểm
Chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản đạt thêm một cột mốc quan trọng khác. Ảnh: Bloomberg

Charu Chanana, chiến lược gia tại Saxo Capital Markets có trụ sở tại Singapore, bình luận: “Mức 40.000 điểm của Nikkei 225 chắc chắn là một ngưỡng tâm lý quan trọng. Khi các yếu tố nước ngoài còn tác động và đồng yên tiếp tục yếu đi, đây có thể là một tín hiệu tăng giá hơn là gây lo ngại về việc chứng khoán Nhật Bản đang bị mua quá mức”.

Vào tháng trước, chỉ số Nikkei đã lấy lại mức đỉnh năm 1989 khi các nhà đầu tư từ khắp nơi trên thế giới đổ xô vào nhiều công ty lớn ở Nhật Bản nhằm cải thiện lợi nhuận cho cổ đông trong bối cảnh đồng yên yếu và lợi nhuận doanh nghiệp bùng nổ.

Sự ủng hộ của Warren Buffett đối với các 5 tập đoàn lâu đời của Nhật Bản vào năm ngoái cũng thúc đẩy niềm tin vào quốc gia này. Hơn nữa, những lo ngại về suy thoái ở Trung Quốc càng khiến dòng vốn nước ngoài chuyển sang Nhật Bản.

Khoảng 1/3 số doanh nghiệp phi tài chính trong chỉ số Nikkei có dòng tiền ròng ở mức dương, nghĩa là có nhiều tiền mặt hơn nợ.

Thêm vào đó, nhà đầu tư nước ngoài đang tỏ ra lạc quan về chứng khoán Nhật Bản. BlackRock (công ty quản lý tài sản lớn nhất thế giới) và Amundi Asset Management -(quỹ quản lý tài sản lớn nhất châu Âu) kỳ vọng tăng trưởng lợi nhuận tại Nhật Bản sẽ còn bùng nổ.

Nhưng vẫn có một số quan ngại rằng thị trường chứng khoán Nhật Bản có thể đang tăng quá nóng.

Ayako Sera, chiến lược gia tại ngân hàng Sumitomo Mitsui, nhận định: “Mặc dù ngưỡng 40.000 điểm cho chỉ số Nikkei 225 là một mốc quan trọng, nhưng tốc độ tăng quá nhanh và có lẽ vẫn còn quá sớm để nền kinh tế và hiệu suất thực tế của các doanh nghiệp có thể theo kịp”.