Phiên 25/6, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã hút 25.000 tỷ đồng qua kênh tín phiếu, kỳ hạn 14 ngày, có 13/13 thành viên tham gia trúng thầu với lãi suất 4,3%/năm. Đáng chú ý, đây là mức lãi suất được nâng lên từ mức 4,25%/năm phiên trước đó và là phiên hút thanh khoản mạnh nhất kể từ đầu tháng 3/2023.

Ở chiều ngược lại, có 3.700 tỷ đồng tín phiếu đáo hạn. Trên kênh cầm cố giấy tờ có giá (OMO) không phát sinh giao dịch.

Như vậy, NHNN đã hút ròng 21.300 tỷ đồng từ thị trường trong phiên 25/6. Khối lượng tín phiếu lưu hành trên thị trường tăng lên mức 127.960 tỷ đồng và không còn khối lượng lưu hành trên kênh cầm cố.

NHNN tăng lãi suất tín phiếu, hút thanh khoản mạnh nhất phiên 25/6
Kết quả đấu thầu thị trường mở phiên 25/6 (Nguồn: SBV)

Trước đó, từ phiên 21/6, NHNN đã điều chỉnh giảm kỳ hạn tín phiếu từ 28 ngày phiên trước đó xuống còn 14 ngày, trong khi lãi suất trúng thầu được giữ nguyên ở mức 4,25%/năm.

Với việc điều chỉnh kỳ hạn tín phiếu với lãi suất trúng thầu không đổi được cho là nhằm gia tăng tính hấp dẫn cho công cụ này, qua đó nâng mặt bằng lãi suất VND liên ngân hàng trong bối cảnh áp lực tỷ giá vẫn còn hiện hữu và lãi suất liên ngân hàng tại các kỳ hạn dưới 1 tháng giảm mạnh những phiên gần đây.

Theo nhận định của Chứng khoán SSI, NHNN đã hạ kỳ hạn tín phiếu xuống còn 14 ngày từ 28 ngày kể từ phiên giao dịch cuối tuần trước để các ngân hàng thương mại có thể chủ động hơn trong việc điều tiết thanh khoản khi giai đoạn cao điểm cuối quý II đang tới gần.

Chia sẻ tại Hội nghị trực tuyến toàn ngành về giải pháp đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng năm 2024 ngày 19/6, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, tính đến 14/6/2024, tín dụng tăng trưởng 3,79% so với cuối năm 2023.

Trước đó, tính đến cuối tháng 5, tăng trưởng tín dụng chỉ mới đạt 2,41% so với cuối năm 2023. Như vậy, theo ước tính của mới đây của MBS, trong 20 ngày của tháng 6, tín dụng đã tăng thêm 1,76 điểm %, tương đương với hơn 238.000 tỷ đồng được bơm ra nền kinh tế.

Con số này đã tiến sát tới mức mục tiêu được Thủ tướng đề ra trước đó là hết quý II/2024, tăng trưởng tín dụng đạt 5-6%, cả năm đạt 15-16%, mục tiêu được đánh giá là khó khăn trong bối cảnh khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế còn rất yếu.