Cổ phiếu ngân hàng 'dễ thở' nhờ Luật mới
Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 15/10/2025, đánh dấu bước ngoặt quan trọng trong hành lang pháp lý xử lý nợ xấu tại Việt Nam. Việc luật hóa nhiều nội dung cốt lõi của Nghị quyết 42 trước đây được kỳ vọng không chỉ gỡ vướng cho các ngân hàng thương mại mà còn tạo làn sóng tăng trưởng mới cho nhóm cổ phiếu ngân hàng vốn đang chịu nhiều sức ép suốt thời gian qua.
Một trong những điểm nhấn quan trọng trong Luật Các TCTD (sửa đổi) là việc khôi phục cơ chế cho phép ngân hàng thu giữ tài sản bảo đảm – từng được áp dụng trong khuôn khổ Nghị quyết 42 giai đoạn 2017–2023.
Theo đó, nếu tài sản bảo đảm không bị kê biên trong vụ án hình sự, không có tranh chấp pháp lý, ngân hàng sẽ có quyền chủ động thu giữ, thay vì phải trông chờ vào sự tự nguyện hợp tác của khách hàng hay kéo dài thủ tục tố tụng nhiều năm trời như hiện nay.
Sau khi Nghị quyết 42 hết hiệu lực từ đầu năm 2024, việc xử lý tài sản bảo đảm của các khoản nợ xấu gặp nhiều ách tắc, làm gia tăng áp lực trích lập dự phòng và ảnh hưởng tiêu cực đến lợi nhuận của các ngân hàng. Tỷ lệ nợ xấu nội bảng theo thống kê của VNDirect tính đến tháng 1/2025 đã lên tới 4,3%.
Việc luật hóa quyền thu giữ được kỳ vọng sẽ giảm mạnh tỷ lệ nợ xấu toàn ngành, đưa về dưới 3%, qua đó giúp các ngân hàng tiết giảm chi phí trích lập dự phòng, cải thiện chất lượng tài sản và biên lợi nhuận.
Báo cáo từ VIS Rating cho biết, trong giai đoạn 2022–2025, tại các ngân hàng như ACB, HDB, OCB, VIB, VPB và MBB, tỷ lệ nợ có vấn đề đã tăng từ 1,6% lên 2,2%, chủ yếu đến từ các khoản vay cá nhân mua nhà thế chấp và cho vay hộ kinh doanh.
Sự trầm lắng của thị trường bất động sản, đặc biệt là phân khúc nghỉ dưỡng và đầu cơ, khiến tài sản bảo đảm khó xử lý, ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả thu hồi nợ. Việc luật hóa cơ chế xử lý tài sản không chỉ mang lại quyền chủ động pháp lý cho ngân hàng mà còn giúp khai thông dòng vốn cho nền kinh tế trong bối cảnh tín dụng đang có dấu hiệu tăng tốc.
![]() |
Ba cổ phiếu ngân hàng được VNDirect khuyến nghị nổi bật là: TCB (Techcombank), CTG (VietinBank) và VPB (VPBank). |
Dòng tiền thông minh sẽ tìm đến cổ phiếu nào?
Tính đến cuối tháng 6/2025, nhóm cổ phiếu ngân hàng đã ghi nhận mức tăng nhẹ 3–5% so với đầu năm – thấp hơn mặt bằng chung thị trường. Với kỳ vọng lợi nhuận được cải thiện và nợ xấu được kiểm soát, các nhà đầu tư tổ chức có thể sẽ quay lại gom hàng khi “game pháp lý” được kích hoạt trở lại.
Theo nhận định của VNDirect, việc xác định ngân hàng nào hưởng lợi nhiều hơn từ Luật mới là điều không dễ, tuy nhiên một số nhóm nổi bật được kỳ vọng gồm:
- Nhóm tập trung vào bán lẻ và cho vay ô tô, như VIB, VPB, HDB, OCB – những ngân hàng có tệp khách hàng cá nhân lớn và chịu áp lực nợ xấu từ tín dụng tiêu dùng, sẽ hưởng lợi nhờ khả năng xử lý nhanh tài sản thế chấp.
- Nhóm ngân hàng lớn có quy mô trích lập dự phòng lớn, như CTG, VPB, TCB – sẽ được giải phóng một phần chi phí dự phòng, từ đó cải thiện lợi nhuận.
- Nhóm ngân hàng tham gia nhận chuyển giao bắt buộc, như MBB, HDB, VCB, VPB – sẽ được hỗ trợ pháp lý mạnh hơn để xử lý các khoản nợ tồn đọng từ các TCTD yếu kém.
Maybank cũng cho rằng hệ thống ngân hàng Việt Nam hiện không gặp khủng hoảng nợ xấu nghiêm trọng, và việc luật hóa sẽ bổ trợ hoàn hảo cho sự ổn định ngành, nhất là trong bối cảnh kinh tế đang trên đà phục hồi.
Bức tranh lợi nhuận ngân hàng nửa cuối năm 2025 được đánh giá là tích cực hơn nhờ nhiều yếu tố cộng hưởng: Tăng trưởng tín dụng kỳ vọng vượt 16% (theo VNDirect), thị trường bất động sản có dấu hiệu hồi phục, và hành lang pháp lý rõ ràng cho xử lý nợ xấu.
“Nghị quyết 42 được luật hóa sẽ tạo khung pháp lý thống nhất và vững chắc hơn, giúp xử lý nợ xấu nhanh chóng, góp phần làm lành mạnh hệ thống tài chính", chuyên gia Đinh Quang Hinh, Kinh tế trưởng của VNDirect nhận định.
Theo ông, nhóm ngân hàng đáng chú ý trong giai đoạn tới là những nhà băng có tốc độ tăng trưởng tín dụng cao, tập khách hàng rộng, khả năng khai thác lợi thế trong bất động sản và có NIM (biên lãi ròng) cao hơn mức bình quân ngành.
Ba cổ phiếu ngân hàng được VNDirect khuyến nghị nổi bật là: TCB (Techcombank), CTG (VietinBank) và VPB (VPBank). Đây đều là những cái tên có tiềm lực tài chính mạnh, hệ sinh thái rộng và chiến lược rõ ràng trong việc xử lý nợ xấu.