Chiều 6/5, tổ đại biểu Quốc hội TP.HCM gồm Chủ tịch UBND TP Phan Văn Mãi, Phó chánh án Tòa án nhân dân tối cao Dương Văn Thăng, và Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ TP Nguyễn Trần Phượng Trân đã gặp gỡ cử tri quận 4, quận 7, và huyện Nhà Bè trước kỳ họp Quốc hội thứ 7.

Trong buổi gặp gỡ, một trong những vấn đề được người dân quan tâm là việc xử lý bãi rác Đa Phước. Về vấn đề này, Chủ tịch UBND TP Phan Văn Mãi đã yêu cầu Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Toàn Thắng trả lời về xử lý rác tại bãi rác Đa Phước. Ông Thắng giải thích rằng bãi rác Đa Phước, đi vào hoạt động từ năm 2006, đã vượt quá công suất, gây mùi hôi và ảnh hưởng đến đời sống của người dân ở quận 7 và huyện Nhà Bè.

Giải pháp là chuyển từ chôn lấp sang đốt rác phát điện, không chỉ ở Đa Phước mà cả các bãi rác khác. Nhưng quá trình này cần thời gian, vì mỗi ngày TP.HCM thải ra khoảng 10.000 tấn rác, phải tìm cách xử lý. Ông Thắng cũng nhấn mạnh TP.HCM sẽ chuyển 80% rác sang công nghệ đốt phát điện vào năm 2025, và sau 2025, sẽ hoàn toàn đốt phát điện, bao gồm cả bãi rác Đa Phước.

Nơi là ‘điểm nóng’ về môi trường của TP. Hồ Chí Minh được đề nghị đầu tư 10.080 tỷ đồng làm dự án đốt rác phát điện
Bãi rác Đa Phước nhìn từ trên cao. Ảnh Thuận Thắng

Mới đây, Báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) của Dự án chuyển đổi công nghệ đốt rác phát điện công suất 3.000 tấn/ngày tại Khu liên hợp xử lý chất thải Đa Phước (huyện Bình Chánh, TPHCM) vừa được Bộ Tài nguyên và Môi trường công khai tham vấn cộng đồng.

Báo cáo ĐTM do Công ty TNHH Xử lý chất thải Việt Nam (VWS) chủ trì, hợp tác với đơn vị tư vấn là Trung tâm Công nghệ môi trường (ENTEC) thực hiện. Dự án được xây dựng trên diện tích khoảng 9ha và dự kiến bao gồm hai nhà máy đốt rác, mỗi nhà máy gồm một tổ hợp với hai lò đốt công suất 750 tấn/ngày/lò. Với công suất dự kiến, dự án sẽ tạo ra khoảng 46,06MW điện sau khi trừ điện tiêu thụ nội bộ.

Tổng mức đầu tư ước tính cho dự án là 420 triệu USD, tương đương 10.080 tỷ đồng. Trong đó, 30% vốn tự có và 70% vốn vay ngân hàng. Tuy nhiên, dự án cũng đặt ra nhiều thách thức liên quan đến tác động môi trường, đặc biệt là khả năng phát sinh bụi mịn, hợp chất gây ăn mòn, các kim loại nặng, và dioxin/furan.

Báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) cũng cho rằng dự án sẽ triển khai hệ thống xử lý nước thải công nghệ MBR, với tổng công suất thiết kế 400m³/ngày đêm, để xử lý toàn bộ nước thải phát sinh.

Tuy nhiên, những lo ngại về tác động tới khu vực dân cư vẫn tồn tại. Theo báo cáo, phía Đông của dự án cách khu dân cư gần nhất 2,2km; phía Tây cách 1,2km; phía Tây Bắc cách 2,6km; phía Bắc và Đông Nam cách khoảng 2,6km và 2,4km tương ứng. Báo cáo ĐTM cho rằng trong bán kính 1-3km từ dự án có các khu dân cư tập trung.

Được biết, từ tháng 5, 6 trở đi khi TP.HCM bước vào mùa mưa là lúc gió mùa tây nam hoạt động mạnh. Đây cũng là thời điểm người dân sinh sống tại khu vực nam TP bao gồm khu Phú Mỹ Hưng (quận 7), khu Đa Phước (huyện Bình Chánh), huyện Nhà Bè kêu trời vì mùi hôi từ bãi rác Đa Phước phát tán theo gió. Nhiều năm qua cứ "đến hẹn lại... hôi", người dân các khu vực liên quan đã nhiều lần đề nghị với các cơ quan chức năng sớm có hướng giải quyết vấn đề này.