Các nhà sản xuất tấm pin năng lượng mặt trời tại Lào và Indonesia - phần lớn do các công ty Trung Quốc sở hữu đã nhanh chóng gia tăng thị phần tại Mỹ sau khi Mỹ áp thuế cao đối với sản phẩm từ Việt Nam, Thái Lan, Malaysia và Campuchia, theo dữ liệu thương mại do Reuters tổng hợp.

Tháng 4/2025, Chính phủ Mỹ chính thức áp mức thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp lên các sản phẩm pin năng lượng mặt trời có nguồn gốc từ 4 quốc gia Đông Nam Á, nhằm ngăn chặn hành vi lách thuế từ các nhà máy do Trung Quốc sở hữu tại khu vực này. Trước đó, 2 đợt áp thuế đã được tiến hành vào tháng 6 và tháng 11/2024.

Sản phẩm pin mặt trời từ Campuchia xuất khẩu vào Mỹ chịu mức thuế cao nhất với 4 doanh nghiệp bị áp 3.521% do không hợp tác trong quá trình điều tra. Các công ty còn lại tại nước này phải chịu mức thuế gần 652%.

Tại Việt Nam, mức thuế trung bình là 395,9%, trong đó có 4 doanh nghiệp phải chịu tổng thuế suất lên tới 813,92%.

Thái Lan ghi nhận mức thuế cao nhất là 375,2%, còn Malaysia là quốc gia chịu thuế nhẹ nhất với mức cao nhất là 34,41%, trừ một số doanh nghiệp bị áp thuế cụ thể.

Tuy nhiên, thay vì dừng lại, các doanh nghiệp Trung Quốc tiếp tục chuyển dây chuyền sang Lào và Indonesia, từ đó tăng mạnh lượng hàng xuất sang Mỹ. Thống kê cho thấy, trong 3 tháng sau đợt áp thuế thứ hai, thị phần tấm pin mặt trời từ Lào và Indonesia tại thị trường Mỹ đã tăng vọt lên 29%, so với mức dưới 1% trong năm 2023.

Núp bóng hàng Việt Nam vẫn bị Mỹ đánh thuế sốc 814% lên một sản phẩm chủ lực, công ty Trung Quốc 'chơi chiêu' mới
Thị phần pin năng lượng mặt trời nhập khẩu từ Indonesia và Lào vào Mỹ tăng vọt sau khi Việt Nam, Thái Lan, Malaysia và Campuchia bị đánh thuế (Theo Reuters)

Nếu Indonesia và Lào bị Mỹ đánh thuế, Trung Quốc lại tìm quốc gia khác

Các chuyên gia nhận định động thái này cho thấy hạn chế của chính sách thương mại của Mỹ. “Toàn bộ công suất sản xuất tại 4 quốc gia bị áp thuế hiện nay nhiều khả năng sẽ đóng cửa hoặc hoạt động cầm chừng” - bà Yana Hryshko, Trưởng bộ phận nghiên cứu chuỗi cung ứng năng lượng mặt trời toàn cầu tại Wood Mackenzie cho biết.

Trong 9 tháng kể từ đợt thuế đầu tiên, xuất khẩu tấm pin mặt trời từ Việt Nam, Malaysia, Thái Lan và Campuchia sang Mỹ đã giảm 33%. Ngược lại, xuất khẩu từ Indonesia và Lào tăng gần 8 lần. Nhìn chung, tổng lượng nhập khẩu pin mặt trời của Mỹ đã giảm 26% so với cùng kỳ, trong đó thị phần của 4 nước Đông Nam Á bị đánh thuế đã giảm từ 82% (cả năm 2024) xuống còn 54% trong 3 tháng sau đợt áp thuế thứ hai.

Dù chi phí nhập khẩu tăng, lượng tế bào quang điện (solar cells) nhập khẩu, nguyên liệu lắp ráp tấm pin tại Mỹ vẫn tăng gấp 3 lần kể từ đợt thuế đầu tiên. Lào và Indonesia tiếp tục chiếm lĩnh thị phần, với mức tăng tới 17 lần. Tính đến nay, tế bào quang điện chiếm khoảng 28% tổng nhập khẩu sản phẩm năng lượng mặt trời vào Mỹ, so với mức chỉ 6,5% trong năm 2023.

Tuy nhiên, theo bà Fei Chen, chuyên gia của Rystad Energy nhiều doanh nghiệp Trung Quốc đã bắt đầu lo ngại Mỹ có thể tiếp tục mở rộng thuế sang cả Indonesia và Lào. Một số nhà sản xuất đang lên kế hoạch chuyển cơ sở sang các quốc gia ngoài Đông Nam Á như Thổ Nhĩ Kỳ, Oman, Ả Rập Xê Út, UAE và Ethiopia để tiếp tục duy trì nguồn cung sang Mỹ.

Trong khi đó, các nhà máy tại Trung Quốc - vốn bị loại khỏi thị trường Mỹ hơn một thập kỷ do thuế nhập khẩu cao đang đẩy mạnh xuất khẩu sang châu Á và châu Phi. Theo tổ chức Ember, trong quý I/2025, châu Á chiếm 37% tổng xuất khẩu của Trung Quốc, tăng mạnh so với mức 25,4% cùng kỳ năm trước. Thị phần của châu Âu giảm từ 41% xuống còn 34% do tồn kho cao và nhu cầu suy yếu.