Các nhà khảo cổ Israel đã phát hiện 44 đồng tiền quý hiếm từ thời Đế quốc Đông La Mã (Byzantine) và nhiều món đồ giá trị khác khi khai quật tại một khu bảo tồn thiên nhiên.

Các đồng tiền xu này dường như được đúc trong khoảng thời gian trị vì của các Hoàng đế Phocas ( năm 602 đến 610 sau Công nguyên) và Hoàng đế Heraclius (610 tới 641 sau Công nguyên).

Tất cả các đồng tiền xu đều làm từ vàng nguyên chất, là dạng tiền tệ phổ biến trong thời kỳ Byzantine (khoảng năm 330 đến 1453 sau Công nguyên).

Các chuyên gia ước tính chỗ tiền xu này có tổng trọng lượng khoảng 170 g và được cất giấu ở nơi chứa đựng phế tích một thành phố cổ của Đế chế Byzantine, là nửa phía Đông của Đế chế La Mã, từng tồn tại huy hoàng hơn 1.000 năm. Thành phố cổ hiện nằm lọt thỏm trong khuôn viên khu bảo tồn.

Đào bức tường cũ, tìm thấy kho báu vàng ròng 'giá trị vô song'
44 đồng tiền xu làm từ vàng nguyên chất

"Hầu hết các đồng xu đều thuộc về thời của Hoàng đế Byzantine Heraclius", Gabriela Bijovsky, một chuyên gia về tiền cổ của IAA, cho biết trong thông báo chính thức. "Điều đặc biệt thú vị là trong những năm đầu (Heraclius) làm hoàng đế, chỉ có chân dung của ông được khắc họa trên đồng xu. Nhưng một thời gian ngắn sau, hình ảnh các con trai của ông cũng xuất hiện trên tiền xu, với kích thước bằng cha đẻ, người được miêu tả có bộ râu dài."

Ngoài các đồng tiền, các nhà nghiên cứu đã tìm thấy những tàn tích của một công trình, các kênh dẫn nước và đường ống, lò nung gốm, tiền đồng và nhiều mảnh vỡ của đồ gốm, thủy tinh, đồ tạo tác kim loại.

Theo nhóm khảo cổ, việc phát hiện ra kho tiền xu có thể làm sáng tỏ nền kinh tế của thành phố Banias trong suốt 40 năm cai trị cuối cùng của Đế quốc Đông La Mã.