Tại Hội nghị tín dụng đối với bất động sản và phát triển nhà ở xã hội diễn ra, ông Nguyễn Văn Cường, Phó Chủ tịch Tập đoàn Hưng Thịnh cho biết vừa qua, Ngân hàng LPBank đã quyết định cấp hạn mức cho vay 5.000 tỷ đồng. Gói tín dụng của LPBank giúp tháo gỡ nút thắt về vốn cho các doanh nghiệp trong Tập đoàn Hưng Thịnh và hàng trăm nhà thầu tại các dự án đang dang dở.

“Đây cũng là nỗ lực của LPBank trong việc tuân thủ và thực hiện đúng theo chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước về việc tiếp tục thúc đẩy cho vay tín dụng với lĩnh vực bất động sản”, ông Cường cho biết.

Với dòng vốn này, công Cường cho biết Hưng Thịnh đã lên kế hoạch đưa dòng tiền này vào trực tiếp các dự án, triển khai xây dựng và sản xuất kinh doanh, tạo ra hàng chục ngàn công ăn việc làm, tạo ra các sản phẩm đáp ứng được nhu cầu thực của người ở thực với giá cả phù hợp, vừa túi tiền. Nhiều ngành nghề phụ trợ cũng đang chờ dòng tiền này để tiếp tục sản xuất kinh doanh.

“Đến nay, hai bên đã tích cực triển khai, chúng tôi đã được phê duyệt chi tiết khoảng 2.000 tỷ đồng, tuy nhiên chúng tôi được biết LPBank bị hết room cho vay bất động sản nên sẽ gặp khó trong việc triển khai tiếp theo”, ông Thịnh cho biết thêm.

Từ thực tế, trên ông Thịnh đề xuất Ngân hàng Nhà nước có chính sách nới room tín dụng cho những ngân hàng tham gia tái cơ cấu thị trường bất động sản, thực hiện tốt chủ trương chỉ đạo của Đảng và Nhà nước.

Cũng tại hội nghị này, ông Thịnh đề xuất trong điều kiện pháp lý các dự án bất động sản đang triển khai kéo dài như thời gian qua, đề nghị các ngân hàng tối giản hóa các điều kiện cho vay các dự án bất động sản, đồng thời kéo dài thời gian cho vay hơn so với bình thường để doanh nghiệp có thêm thời gian xoay sở trong bối cảnh khó khăn hiện nay.

“Các nhà thầu, các nhà cung cấp nguyên vật liệu của các dự án hầu như chỉ được ngân hàng cấp tín dụng ngắn hạn dẫn đến việc nhiều doanh nghiệp cùng khó khăn khi chủ đầu tư gặp khó khăn và gây áp lực thanh toán lên chủ đầu tư”, ông Thịnh nói.

Vì vậy, đại diện Hưng Thịnh đề xuất Ngân hàng Nhà nước và các ngân hàng có thêm cơ chế kéo dài thêm thời gian vay vốn đối với các nhà thầu thi công, các nhà cung cấp nguyên vật liệu cho dự án bất động sản lên khoảng 18 đến 24 tháng thay vì chỉ 6-12 tháng như hiện nay, các ngân hàng sẽ cùng giám sát chặt chẽ dòng tiền để thu hồi nợ trước hạn khi doanh nghiệp có dòng tiền về sớm, đảm bảo an toàn dòng vốn cho vay.

“Chúng tôi tin rằng khi dòng vốn đi trực tiếp vào sản xuất kinh doanh sẽ góp phần khôi phục lại và thúc đẩy hoạt động của thị trường bất động sản, giải quyết công ăn việc làm và tạo ra sự phát triển kinh tế- xã hội ổn định”, ông Thịnh nói.