Chiều 12/4, ông Đào Minh Tú - Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) - cùng lãnh đạo Báo Lao động đồng chủ trì Hội thảo “Tín dụng hỗ trợ lâm - thủy sản giữ vững vị thế ngành xuất khẩu tỷ USD”, diễn ra tại TP Hải Phòng.

Phát biểu tại Hội nghị, bà Phạm Thị Thanh Tùng, Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (NHNN) cho biết, việc triển khai chương trình tín dụng đối với lĩnh vực lâm sản, thủy sản được coi là một trong những giải pháp thiết thực và hiệu quả.

Chương trình này đã góp phần không nhỏ vào việc giúp 22 ngành hàng vượt qua khó khăn, ổn định sản xuất, giữ vị trí nằm trong top 6 hàng/nhóm mặt hàng kim ngạch xuất khẩu trên 3 tỷ USD (gạo, hàng rau quả, cà phê, hạt điều, tôm, gỗ và sản phẩm gỗ) và đang trên đà phục hồi trong những tháng đầu năm 2024.

Gửi kiến nghị tới ngành ngân hàng, ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng thư ký Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho rằng, các ngân hàng xem xét nới hạn mức tín dụng. Theo đó, tỷ lệ tín dụng cho doanh nghiệp xuất khẩu kỳ vọng sẽ tăng lên ít nhất 50% tổng dư nợ, thay vì khoảng 27-28% như trong gói 15.000 tỷ đồng vừa qua.

Theo ông Nguyễn Hoài Nam, có những Phòng giao dịch ngân hàng khi các đơn vị, doanh nghiệp đến, họ nói không biết đến gói hỗ trợ 15.000 tỷ đồng. Do đó, ông đề xuất các ngân hàng quán triệt mạnh mẽ tới toàn bộ các chi nhánh về gói tín dụng 15.000 tỷ đồng hỗ trợ lâm - thủy sản; xem xét thêm việc đơn giản và linh hoạt hơn về các yêu cầu thủ tục, hồ sơ và điều kiện vay để các doanh nghiệp có thể tiếp cận vốn thuận lợi hơn, trong đó tỷ lệ tín dụng cho doanh nghiệp xuất khẩu tăng lên.

Phó Tổng thư ký VASEP: Có Phòng giao dịch Ngân hàng khi doanh nghiệp đến, họ nói không biết gói hỗ trợ 15.000 tỷ đồng

Hội thảo “Tín dụng hỗ trợ lâm, thủy sản giữ vững vị thế ngành xuất khẩu tỷ USD”. Ảnh: Tiền phong

Trước kiến nghị này của doanh nghiệp, Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú đề nghị, các ngân hàng và doanh nghiệp cần hợp tác trên tinh thần sẻ chia. Ngân hàng mạnh dạn hơn trong việc tăng hạn mức cho vay đối với doanh nghiệp, linh hoạt trong vấn đề tài sản thế chấp nhưng vẫn phải đảm bảo nguyên tắc bất di bất dịch là đảm bảo thu hồi được vốn, còn doanh nghiệp cũng phải chia sẻ trước nỗi lo về khả năng mất vốn của ngân hàng.

Muốn ngân hàng đồng hành, sẻ chia thì doanh nghiệp cũng phải cởi mở, chia sẻ với ngân hàng về thông tin tài chính, báo cáo tài chính, từ đó ngân hàng mới xác định được dòng tiền và mạnh dạn cho vay.

Phó Thống đốc NHNN còn nhấn mạnh, đây là gói tín dụng NHNN đề xuất và rất được Thủ tướng Chính phủ ủng hộ, nên nếu hết 30.000 tỷ đồng, thì NHNN sẵn sàng đề xuất 45.000 tỷ đồng thậm chí 50.000 tỷ đồng, bởi đây là chính sách hỗ trợ doanh nghiệp vượt khó trong giai đoạn hiện nay.

Từ giữa năm 2023, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã chỉ đạo các ngân hàng thương mại triển khai Chương trình tín dụng 15.000 tỷ đồng đối với lĩnh vực lâm sản, thủy sản, với lãi suất thấp hơn tối thiểu từ 1- 2%/năm so với mức lãi suất cho vay bình quân cùng kỳ hạn.

Mặc dù đến tháng 6/2024 mới hết hạn giải ngân nhưng đến nay, Chương trình đã hoàn thành giải ngân 100% mục tiêu của chương trình. Vì thế, hồi cuối tháng 2/2024, Thống đốc NHNN đã yêu cầu các tổ chức tín dụng xem xét việc nâng quy mô Chương trình tín dụng này thành gói 30.000 tỷ đồng.

NHNN cho biết, đến nay các ngân hàng thương mại đã hoàn thành việc đăng ký nâng quy mô và tiếp tục giải ngân cho vay với doanh số lũy kế trên 17.500 tỷ đồng, đạt 58,3% tổng doanh số cam kết cho vay theo dự kiến mới, với trên 6.500 lượt khách hàng vay vốn.