Chính thức gia nhập NATO vào năm 2023, Phần Lan chính thức trở thành nước có đường biên giới dài nhất với Nga trong nhóm các quốc gia NATO. Trước tình hình căng thẳng leo thang, Chính quyền nước này đã tăng viện quân ra biên giới và ra sức củng cố nền kinh tế trong trường hợp có chiến tranh xảy ra.

Phần Lan đã thử nghiệm thành công khả năng điều hành nền kinh tế chiến tranh và bắt đầu vận chuyển các thiết bị, vũ khí quân sự tới biên giới để đề phòng bất kì xung đột nào với quân đội của Moscow.

Phần Lan tăng cường chuẩn bị cho 'kịch bản chiến tranh' với Nga
Binh sĩ Phần Lan tham gia cuộc tập trận ở phía bắc đất nước năm 2023

Trung tướng Mikko Heiskanen, Phó tham mưu trưởng cục hậu cần và vũ khí trong lực lượng quốc phòng Phần Lan, trả lời báo Financial Times rằng Phần Lan gần đây đã ký hơn 1.000 thỏa thuận với các công ty tư nhân để sản xuất thiết bị hoặc cung cấp dịch vụ cho thời chiến.

"Phên giậu" của châu Âu nếu chiến tranh nổ ra

Phần Lan, quốc gia có đường biên giới với Nga dài nhất so với bất kỳ quốc gia NATO hay EU nào, đã đã trải qua nhiều cuộc xung đột với Nga, nổi tiếng nhất là Chiến tranh Mùa đông 1939-1940.

Phần Lan tăng cường chuẩn bị cho 'kịch bản chiến tranh' với Nga
Lịch sử và vị trí địa lý chiến lược đã khiến Phần Lan thường xuyên cảnh giác với Nga

Kho dự trữ nhiên liệu đủ dùng cho ít nhất sáu tháng cùng với nguồn cung ngũ cốc và đủ nơi trú ẩn cho toàn bộ dân số được chuẩn bị kĩ càng. Gần một phần ba dân số trưởng thành của nước này là quân đội dự bị, khiến quốc gia chỉ có 5,6 triệu dân này trở thành một trong những quốc gia có quân đội quy mô lớn nhất châu Âu, đồng thời có lực lượng pháo binh đông đảo nhất.

Tướng Heiskanen đưa ra ví dụ rằng một công ty dệt may có thể được yêu cầu sản xuất áo chống đạn hoặc các mặt hàng khác để bảo vệ quân đội trong trận chiến trong thời gian gấp rút.

Trong những tháng gần đây, Nga đã chuyển sang nền kinh tế chiến tranh sau khi đưa quân đến Ukraine hai năm trước, chi khoảng 6-7% GDP để sản xuất 4 triệu quả đạn pháo mỗi năm, cao hơn nhiều so với Phần Lan hoặc thậm chí tất cả Tây Âu gộp lại.

Tướng Heiskanen lưu ý rằng Phần Lan mới ở bước thứ ba trong số chín bước trên thang đo căng thẳng chiến sự. Mặc dù đã tăng cường sản xuất đạn dược nhưng các nhà máy vẫn không hoạt động 24 giờ một ngày. Vị lãnh đạo này khẳng định : “Chúng tôi không ở trong tình trạng tồi tệ và hiện tại chúng tôi khá tự tin với khả năng sản xuất trong tương lai”.

Phần Lan tăng cường chuẩn bị cho 'kịch bản chiến tranh' với Nga
Tổng thống Phần Lan Alexander Stubb chào đón Tư lệnh quân đội Phần Lan Pasi Välimäki trong cuộc tập trận của NATO ở Na Uy

Mặc dù là thành viên mới của NATO, Phần Lan đã thường xuyên nhận được sự tôn trọng và hỏi ý kiến từ các quốc gia khác về cách cải thiện hậu cần trong chiến tranh, điều gần như đã bị bỏ bê sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc.

“Phần Lan là tiêu chuẩn vàng. Họ đã không mất cảnh giác trong những năm 1990 và 2000, và giờ đây hầu hết chúng ta chỉ có thể đứng và ngưỡng mộ những gì họ có. Khả năng huy động người dân và doanh nghiệp của họ trong thời kỳ khủng hoảng thực sự rất ấn tượng”, một nhà ngoại giao cấp cao của một quốc gia thành viên NATO cho biết.

Ông Heiskanen nói rằng Phần Lan đã bắt đầu lưu trữ thiết bị quân sự ở nước láng giềng Na Uy và sẽ sớm bắt đầu ở Thụy Điển, một thành viên mới khác của NATO, cũng như xem xét các quốc gia xa hơn.

“Chúng tôi đang lên kế hoạch sẽ lưu trữ thiết bị ở các nước khác. Đó là vấn đề đảm bảo nguồn cung, giải tán hàng tồn kho. Kế hoạch đã bắt đầu một phần rồi. Chúng tôi dự định thực hiện điều đó đặc biệt là với Thụy Điển và Na Uy cũng như với các quốc gia cách xa về địa lý hơn. Đó là thiết bị, đạn dược và có thể cả phụ tùng cơ giới, quân nhu” - vị tướng cho biết thêm.

Tổng thống mới của Phần Lan, ông Alexander Stubb, đã gạt bỏ truyền thống khiêm tốn trước truyền thông của dân tộc Phần Lan, để khẳng định với phóng viên tờ báo Financial Times rằng các quốc gia châu Âu khác nên ‘trở nên “Phần Lan” hơn, để không phải nhận bị bất ngờ và nhận sự thất bại từ bất kỳ cuộc khủng hoảng quân sự nào.