Trong quý 1/2023, Việt Nam thu hút FDI như thế nào?

Theo số liệu được công bố từ Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), FDI vào Việt Nam 3 tháng đầu năm đạt gần 5,45 tỷ USD, giảm 38,8% so với cùng kỳ năm 2022, mức giảm mạnh nhất kể từ năm 2016.

Rào cản khiến Việt Nam mất lợi thế thu hút đầu tư

Nguyên nhân của sự sụt giảm, theo Cục Đầu tư nước ngoài, là do trong 3 tháng năm 2022 có sự gia tăng đột biến từ việc cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư Dự án LEGO, với tổng vốn đăng ký 1,32 tỷ USD. Riêng dự án này đã chiếm tới 41% tổng vốn đăng ký mới trong 3 tháng năm 2022.

Trong khi đó, giá trị góp vốn, mua cổ phần, theo Cục Đầu tư nước ngoài, cũng giảm và vốn điều chỉnh chưa được cải thiện nhiều so với 2 tháng. Tuy nhiên, số dự án đầu tư mới và số lượt dự án điều chỉnh vốn vẫn tăng so với cùng kỳ.

Cụ thể, trong quý đầu năm, có 522 dự án mới được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, với tổng vốn đăng ký đạt hơn 3 tỷ USD, tăng 62,1% về số lượng dự án và giảm 5,9% về số vốn so với cùng kỳ năm ngoái.

Ngoài ra, có 228 lượt dự án đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư, với tổng vốn tăng thêm đạt hơn 1,2 tỷ USD, tăng 2,6% về số lượt dự án và giảm 70,3% về số vốn so với cùng kỳ.

Theo Cục Đầu tư nước ngoài, vốn đầu tư điều chỉnh 3 tháng năm 2023 giảm so với cùng kỳ do trong 3 tháng năm 2022 có nhiều dự án điều chỉnh vốn lớn trên 50 triệu USD. Riêng các trường hợp này đã chiếm tới 81% tổng vốn điều chỉnh của 3 tháng năm 2022.

Trong khi đó, 3 tháng năm 2023, có ít các lượt dự án điều chỉnh vốn trên 50 triệu USD và chỉ chiếm 37,8% tổng vốn điều chỉnh.

Cùng với đó, trong 3 tháng đầu năm, có 440 lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài, với tổng giá trị vốn góp đạt gần 797,9 triệu USD, tăng 10% về số lượt và tăng 3,7% về số vốn so với cùng kỳ.

Không chỉ vốn đăng ký giảm, mà số liệu từ Cục Đầu tư nước ngoài cho biết, vốn đầu tư thực hiện của các dự án đầu tư nước ngoài cũng giảm so với cùng kỳ, đạt 4,3 tỷ USD, giảm 2,2%. Mức giảm này cũng đã cải thiện so với 2 tháng đầu năm.

Rào cản khiến Việt Nam mất lợi thế thu hút đầu tư

Những yếu tố cản trở Việt Nam thu hút FDI

Ở cấp độ quốc gia, sự ổn định chính trị, kinh tế vĩ mô tăng trưởng cao, độ mở của nền kinh tế lớn, quy mô thị trường nội địa xấp xỉ 100 triệu dân, cơ cấu dân số trẻ, chịu khó, ham học hỏi, chi phí lao động thấp… được đánh giá là những lợi thế chủ yếu của Việt Nam so với các nước trong khu vực.

Ở cấp độ các tỉnh, thành phố, chất lượng nguồn nhân lực và sự hiện diện của các nhà đầu tư chiến lược trong một số ngành, như Intel là lợi thế so sánh để Thành phố phát triển những ngành công nghiệp chiến lược, những công đoạn có giá trị gia tăng cao.

Tốc độ ra quyết định chậm, thiếu linh hoạt trong việc điều chỉnh các cơ chế, chính sách đáp ứng yêu cầu của các nhà đầu tư chiến lược và sự rối rắm trong thực hiện các thủ tục hành chính dẫn đến việc không thể đưa ra các cam kết về thời gian triển khai dự án... đang là những rào cản chính khiến Việt Nam đánh mất lợi thế trong việc thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài trong bối cảnh sự dịch chuyển chuỗi giá trị, chuỗi cung ứng các ngành đang diễn ra mạnh mẽ cả trên phương diện tốc độ và cường độ.

Riêng với các khu công nghiệp, khó khăn lớn nhất, cơ bản nhất liên quan đến thẩm quyền giải quyết các thủ tục hành chính. Với việc ra đời của các luật chuyên ngành, cơ chế "một cửa, tại chỗ" trước đây của phần lớn các khu công nghiệp bị phá vỡ dẫn đến thời gian triển khai của các dự án đầu tư bị kéo dài.

Rào cản khiến Việt Nam mất lợi thế thu hút đầu tư

3 giải pháp để đón làn sóng đầu tư mới

Để đón đầu làn sóng dịch chuyển chuỗi giá trị, chuỗi cung ứng của các ngành, các khu công nghiệp sẽ cần tập trung chuẩn bị một số giải pháp, trong đó có 3 giải pháp chính:

Thứ nhất, xác định các ngành công nghiệp chiến lược mà khu công nghiệp tập trung vào phát triển trong giai đoạn tới.

Theo đó, trên cơ sở định hướng phát triển chung của quốc gia, định hướng phát triển của các tỉnh, thành phố, xu hướng của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, xu hướng chuyển dịch chuỗi giá trị, chuỗi cung ứng các ngành công nghiệp và hiện trạng các hệ sinh thái ngành của khu công nghiệp.

Để nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác thu hút đầu tư, tiếp theo việc xác định các ngành chiến lược là việc phân tích, xác định các khâu, công đoạn trong chuỗi giá trị, chuỗi cung ứng mà Việt Nam có thế mạnh. Ví dụ, đối với ngành vi mạch bán dẫn thì thiết kế và đóng gói là các khâu mà Việt Nam có thế mạnh để thu hút đầu tư.

Thứ hai, chuẩn bị các cơ chế, chính sách, rà soát, hoạch định các quỹ đất, văn phòng cho thuê, đặc biệt là chuẩn bị nguồn nhân lực sẵn sàng cho thu hút đầu tư.

Thứ ba, xác định một cách có chủ đích các quốc gia, tập đoàn chiến lược sẽ tập trung tổ chức xúc tiến đầu tư trong năm 2023 và thời gian tới gắn với các ngành công nghiệp, công đoạn mà Việt Nam có thế mạnh và gắn với trọng tâm phát triển công nghiệp Việt Nam giai đoạn tới là phát triển doanh nghiệp trong nước.