Kết thúc phiên giao dịch ngày 16/2, cổ phiếu BCA được niêm yết trên sàn UPCoM của CTCP B.C.H tăng kịch biên độ (14,81%) lên 15.500 đồng/cp với thanh khoản 385.700 cổ phiếu, vẫn còn dư mua 91.800 cổ phiếu ở giá trần.

Trước đó 8 phiên giao dịch, vào ngày 30/1, BCA chỉ có thị giá 6.000 đồng/cp, như vậy cổ phiếu này đã tăng gần 160% trong thời gian rất ngắn, đồng thời giữ vị trí Top 1 về mức tăng trưởng trong 1 tuần, 1 tháng và từ đầu năm 2024 tới hiện tại trên cả 3 sàn HSX, HNX và UPCoM.

Hậu 'ẩn mình', một công ty bất ngờ báo lãi 1 quý gấp 3 lần vốn hóa khiến nhà đầu tư tranh nhau đu trần
Diễn biến cổ phiếu BCA (Nguồn: Fire Ant)

Được biết, CTCP B.C.H hoạt động chính là bán buôn kim loại và quặng kim loại. Trong đó, chủ yếu là tập trung vào lĩnh vực phân phối và thương mại các sản phẩm về thép. Được thành lập năm 2004 với vốn điều lệ ban đầu là 8 tỷ đồng, doanh nghiệp đã trải qua 3 lần tăng vốn và hiện tại vốn điều lệ là 190 tỷ đồng.

Vào ngày 8/9/2021, 19 triệu cổ phiếu BCA lần đầu tiên chào sàn UPCoM với giá tham chiếu 11.000 đồng/cp, ước tính vốn hóa ngày chào sàn là 209 tỷ đồng.

Thời điểm sau đó, BCA liên tục giảm điểm, đến tháng 11/2022 chạm vùng đáy và đi ngang quanh biên 4.000 - 6.000 đồng/cp trong suốt hơn 2 năm, thanh khoản 1 phiên chỉ vài chục nghìn cổ phiếu, kém xa sự sôi động của các doanh nghiệp đầu ngành với thanh khoản hàng triệu đến chục triệu cổ phiếu/phiên như Hòa Phát (HPG), Hoa Sen (HSG) hay Nam Kim (NKG).

Điều gì làm nên mức tăng phi mã của cổ phiếu BCA?

Hậu 'ẩn mình', một công ty bất ngờ báo lãi 1 quý gấp 3 lần vốn hóa khiến nhà đầu tư tranh nhau đu trần
Lợi nhuận sau thuế của BCA giai đoạn 2021 - 2023. (Tổng hợp số liệu từ SSI)

Từ khi chào sàn vào đầu năm 2021, BCA luôn duy trì mức lợi nhuận hàng quý quanh điểm hòa vốn với mức lãi từ 0,1 - 4,8 tỷ đồng/quý và đan xen 3 quý lỗ 0,3 - 1,4 tỷ đồng/quý.

Tuy nhiên, vào ngày 31/1, cũng chính là thời điểm bắt đầu con sóng tăng mạnh, doanh nghiệp này công bố báo cáo kết quả kinh doanh với lợi nhuận khủng. Chỉ trong quý IV/2023, BCA mang về doanh thu thuần 1.358,3 tỷ đồng, tăng 125% svck. Lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ là 397,7 tỷ đồng.

Điều đáng chú ý, kết phiên ngày 30/1, BCA có thị giá 6.000 đồng/cp và 19 triệu cổ phiếu đang lưu hành. Ước tính, vốn hóa doanh nghiệp là 114 tỷ đồng.

Như vậy, chỉ riêng mức lợi nhuận sau thuế trong quý cuối năm 2023 đã gấp gần 3,5 lần vốn hóa.

Theo giải trình của BCA, trong kỳ công ty đã thực hiện việc nhận chuyển nhượng cổ phần để sở hữu công ty con. Do đó, kết quả quý IV/2023 hợp nhất ghi nhận khoản thu nhập khác từ khoản lãi từ giao dịch mua rẻ khi hợp nhất số tiền 395 tỷ đồng.

Doanh nghiệp được hợp nhất là Công ty TNHH Gang Thép Tuyên Quang có địa chỉ Khu công nghiệp Long Bình An, tỉnh Tuyên Quang (BCA sở hữu 100% vốn).

Khép lại năm 2023, công ty ghi nhận doanh thu hơn 3.853 tỷ đồng, tăng 55%; lãi ròng đạt 398 tỷ đồng, riêng quý IV/2023 đóng góp tới 99% lợi nhuận cả năm.

Dù doanh thu cao và lãi lớn trong kỳ nhưng BCA chỉ có tổng cộng 12 nhân viên, tăng 1 nhân sự so với đầu năm.

Hậu 'ẩn mình', một công ty bất ngờ báo lãi 1 quý gấp 3 lần vốn hóa khiến nhà đầu tư tranh nhau đu trần
Hình ảnh tại cuộc họp Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2023 của BCA. (Nguồn: BCA)

Chủ tịch thắng to

Trước khi cổ phiếu BCA tăng mạnh, ông Phạm Bá Phú - Chủ tịch HĐQT đăng ký mua 3 triệu cổ phiếu, và kịp thời giao dịch thành công 750.000 đơn vị từ ngày 4/12/2023 - 3/1/2024, tăng tỷ lệ sở hữu BCA lên 9,08%, tương đương hơn 1.7 triệu cp.

Nối gót Chủ tịch, ông Đặng Ngọc Hưng - Tổng Giám đốc kiêm Ủy viên HĐQT cũng đăng ký mua 1,2 triệu cổ phiếu trong khoảng thời gian từ 13/12/2023 - 5/1/2024 nhưng không thực hiện được bất kỳ cổ phiếu nào, ông Hưng cho biết do thay đổi kế hoạch tài chính cá nhân. Sau giao dịch không thành công, vị này vẫn đang sở hữu 1,13 triệu cổ phiếu BCA (tỷ lệ 5,93%).