CTCP Thực phẩm Sao Ta (HOSE: FMC), đơn vị thành viên Tập đoàn PAN vừa công bố doanh số tiêu thụ năm 2022 đạt khoảng 226 triệu USD, tương đương 5.336 tỷ đồng, tăng 9,4% so với năm trước. Lợi nhuận trước thuế hợp nhất dự kiến đạt 340 tỷ đồng, tăng 18% so với thực hiện năm 2021, vượt 6% kế hoạch.

Về triển vọng năm 2023, trong thư gửi cổ đông, Chủ tịch HĐQT Hồ Quốc Lực cho biết doanh nghiệp đặt mục tiêu tăng trưởng 10% về cả doanh thu và lợi nhuận.

Sao Ta báo lãi năm 2022 vượt kế hoạch, đặt mục tiêu tăng trưởng 2 chữ số trong năm 2023

Trái với góc nhìn lạc quan của lãnh đạo FMC, CTCP Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) đánh giá sức cầu yếu sẽ kéo doanh thu của Sao Ta trong 6 tháng đầu 2023 trước khi phục hồi dần vào nửa cuối năm khi nhu cầu tăng trở lại.

Theo đó, VDSC dự phóng sang năm 2023, kết quả kinh doanh của Sao Ta có thể chỉ tăng trưởng một con số trước áp lực từ phía cầu. Cụ thể, dự báo doanh thu và lợi nhuận ròng của FMC năm 2023 lần lượt đạt 6.249 tỷ đồng và 356 tỷ đồng.

Phân tích trên dựa trên kỳ vọng của VDSC với sản lượng xuất khẩu tôm của Sao Ta sẽ tăng 7% trong năm 2023, thấp hơn so với kế hoạch ban đầu của công ty là 20% do những tác động tiêu cực.

Nguyên nhân là do nhu cầu các thị trường tiêu thụ tôm chính của Việt Nam dự kiến sẽ chững lại khi nền kinh tế toàn cầu biến động tiêu cực, lạm phát chưa có dấu hiệu hạ nhiệt và hàng tồn kho cao tại các nước nhập khẩu. Hơn nữa, đồng nội tệ của EU, Anh, Nhật Bản và Hàn Quốc liên tục mất giá so với USD đã làm giảm sức mua tại các thị trường trọng điểm.

Ngoài ra, chuyên gia cho rằng xuất khẩu tôm của Việt Nam có thể chậm lại nhưng khó có thể giảm mạnh do nhu cầu đối với tôm chế biến ở nước ta khá ổn định. Sản phẩm tôm chế biến của Việt Nam có thể tiêu thụ chậm nhưng khó bị các sản phẩm tôm khác thay thế.

Chốt phiên đầu năm 2022, cổ phiếu FMC tăng hết biên độ lên mức 34.450 đồng/cp.