Sau khi thực hiện Nghị quyết 60 của Quốc hội, cả nước sẽ còn lại 34 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Bản đồ hành chính thay đổi không chỉ tác động đến hệ thống quản lý nhà nước, mà còn tạo ra những xáo trộn trong nội dung sách giáo khoa, đặc biệt ở các môn như Lịch sử, Địa lý, Giáo dục kinh tế và pháp luật.

Cử tri Hưng Yên phản ánh: Việc sáp nhập tỉnh khiến hàng loạt kiến thức trong chương trình giáo dục phổ thông trở nên lạc hậu. Ví dụ, môn Địa lý có sự thay đổi về số lượng tỉnh, các loại khoáng sản, nông nghiệp, vùng biển – vùng núi. Môn Lịch sử bị ảnh hưởng do nhiều sự kiện gắn với địa danh cũ không còn tồn tại như trước. Điều này đặt ra yêu cầu cấp thiết phải cập nhật nội dung cho phù hợp với thực tế mới.

Trả lời vấn đề này, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn cho biết: Bộ đã chỉ đạo rà soát toàn bộ Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể (ban hành kèm theo Thông tư 32/2018), cũng như chương trình của từng môn học, hoạt động giáo dục và các yêu cầu cần đạt. Việc rà soát này được đối chiếu với tiến trình sắp xếp đơn vị hành chính và mô hình tổ chức chính quyền địa phương hai cấp.

Kết quả rà soát cho thấy: môn Lịch sử – Địa lý, môn Lịch sử, Địa lý, và Giáo dục kinh tế & pháp luật là những môn học cần điều chỉnh nội dung. Các hội đồng chuyên môn đã đưa ra các đề xuất sửa đổi phù hợp. Bộ GD-ĐT cam kết sẽ ban hành các nội dung sửa đổi trong thời gian sớm nhất để bảo đảm việc giảng dạy không bị gián đoạn hay sai lệch.

Về phía Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, PGS-TS Nguyễn Văn Tùng, thành viên Hội đồng thành viên cho biết NXB đã tiến hành rà soát các kiến thức, số liệu, địa danh, bản đồ, biểu đồ và thông tin kinh tế xã hội có liên quan đến việc thay đổi địa giới hành chính và chính quyền hai cấp. Sau khi tổng hợp, đơn vị sẽ trình Bộ GD-ĐT thẩm định và xin ý kiến chỉ đạo trước khi thực hiện chỉnh sửa chính thức.

Sau sáp nhập tỉnh, sách giáo khoa sẽ sửa ra sao?
Bộ GD-ĐT đang gấp rút rà soát để điều chỉnh sách giáo khoa. (Ảnh minh họa)

Tuy nhiên, ông Tùng cũng nhấn mạnh: "Chúng tôi sẽ hạn chế tối đa việc sửa chữa nội dung sách giáo khoa để tránh gây xáo trộn. Trong thời gian chờ sách mới, giáo viên và học sinh sẽ tiếp tục sử dụng sách hiện hành, nhưng sẽ có hướng dẫn chi tiết từ Bộ GD-ĐT để điều chỉnh linh hoạt nội dung phù hợp thực tiễn."

Bộ GD-ĐT cũng khẳng định sẽ ban hành hướng dẫn dạy học tạm thời, với tinh thần giao quyền chủ động cho giáo viên, nhà trường trong việc điều chỉnh ngữ liệu, bài học và chủ đề sao cho sát với tình hình thực tế địa phương.

Sách giáo khoa năm học 2025 – 2026 đã được in và dự kiến hoàn tất trong tháng 7, bảo đảm đủ phục vụ cho giáo viên và học sinh. Trong khi chờ sách mới sau sáp nhập, ngành giáo dục sẽ ưu tiên tính thích ứng – linh hoạt – chính xác, thay vì sửa hàng loạt và gây nhiễu cho người học.