Theo báo cáo thường niên 2022 của Tổng công ty Hàng không Việt Nam - CTCP (Vietnam Airlines, HVN), diễn biến khó lường về tỷ giá tăng cao trong những tháng cuối năm 2022 đã làm tăng chi phí tài chính cũng như rủi ro về tỷ giá. Điều này ảnh hưởng lớn tới kết quả sản xuất kinh doanh của Công ty TNHH MTV Nhiên liệu Hàng không Việt Nam (Skypec).

Cụ thể, năm 2022, tổng sản lượng nhiên liệu của Skypec đạt 1,25 triệu tấn, gấp đôi năm 2021. Doanh thu theo đó đạt 32.940 tỷ đồng, vượt đỉnh hai năm trước dịch 2018, 2019.

Lợi nhuận trước thuế của Skypec năm ngoái đạt trên 281 tỷ đồng, song vẫn thấp hơn giai đoạn trước Covid 19. Tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) đạt 35,2%.

Skypec - gà đẻ trứng vàng của Vietnam Airlines (HVN) kinh doanh ra sao?
Tình hình kinh doanh của Skypec.

Skypec được thành lập năm 1993, hiện có vốn điều lệ 800 tỷ đồng, do Vietnam Airlines sở hữu 100% vốn. Theo giới thiệu tại website công ty, Skypec có khoảng 1.300 cán bộ công nhân viên và đang dẫn đầu trên thị trường nhiên liệu hàng không trong nước với hệ thống kho chứa trên 210.000 m3, mạng lưới hoạt động tại 18 cảng hàng không trên toàn lãnh thổ Việt Nam và 4 sân bay quốc tế lớn của Hàn Quốc.

Trước năm 2019, Skypec được ví như là "gà đẻ trứng vàng" của Vietnam Airlines khi liên tục thu lãi hàng trăm tỷ đồng/năm, giúp cải thiện được kết quả lợi nhuận hợp nhất của hãng hàng không quốc gia.

Hồi tháng 6, Thường trực Chính phủ đã yêu cầu Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp chỉ đạo Vietnam Airlines và Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) xử lý phương án chuyển nhượng Skypec từ Vietnam Airlines về PVN. Đây là nhiệm vụ được Thủ tướng giao cho hai tập đoàn này vào tháng 9/2022.

Trong khi đó, đầu năm nay, Vietnam Airlines thông báo mời các đơn vị tư vấn lập, triển khai phương án chuyển nhượng vốn của hãng tại Skypec. Động thái này là một trong các nỗ lực của hãng để phần nào khắc phục những khó khăn tài chính. Hiện Vietnam Airlines vẫn chưa ra đưa kết quả hoạt động thoái vốn tại Skypec.

Nếu thoái vốn thành công, hãng bay Vietnam Airlines có thể bổ sung lợi nhuận cũng như dòng tiền kinh doanh. Trong Báo cáo tài chính năm 2022 mới công bố gần đây, Vietnam Airlines ghi nhận doanh thu đạt đạt 70.410 tỷ đồng, gấp 2,5 lần doanh thu năm 2021 nhờ hoạt động vận tải hành khách sôi động trở lại sau năm 2021 bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid 19.

Do chi phí tăng cao nên doanh nghiệp này báo lỗ 11.223 tỷ đồng, cải thiện giảm lỗ 2.000 tỷ đồng so với con số âm 13.279 tỷ đồng ghi nhận trong năm 2021.

Skypec - gà đẻ trứng vàng của Vietnam Airlines (HVN) kinh doanh ra sao?
Tình hình kinh doanh của Vietnam Airlines.

Vietnam Airlines cũng đang đối mặt nguy cơ bị hủy niêm yết bắt buộc cổ phiếu do lỗ 3 năm liên tiếp trên báo cáo tài chính kiểm toán.