Theo thông báo của Ngân hàng Nhà nước về kết quả đấu thầu bán vàng miếng phiên ngày 23/4, chỉ có 2 thành viên trúng thầu với tổng khối lượng là 34 lô (tương đương 3.400 lượng vàng) trên tổng số 16.800 lượng chào bán.

Giá trúng thầu cao nhất là 81,33 triệu đồng/lượng và thấp nhất là 81,32 triệu đồng/lượng, kém khoảng 1 triệu đồng so với giá nhà vàng bán ra cho thị trường sáng nay.

Như vậy, kết thúc phiên đấu thầu, có tới 13.400 lượng vàng bị “ế”, tương đương tỷ lệ gần 80%.

Trong khi giá vàng đang rất “nóng” thì diễn biến và kết quả phiên đấu thầu của NHNN lại có phần “nguội”, theo phân tích của một số chuyên gia kinh tế có hai nguyên nhân chủ yếu.

Đầu tiên là do quy định về khối lượng đấu thầu tối thiểu là 14 lô, tương đương 1.400 lượng vàng. Khối lượng tối thiểu lớn đòi hỏi tiềm lực tài chính không nhỏ của các đơn vị tham gia, trong khi nhu cầu của các đơn vị tham gia đấu thầu chủ yếu chỉ là để cân đối trạng thái đã bán trước đó chứ không phải đầu cơ.

Việc nắm giữ một số lượng lớn vàng trong điều kiện giá vàng thế giới và tỷ giá đang biến động mạnh như hiện nay tương đối rủi ro, chưa kể ảnh hưởng tới nguồn vốn lưu động của các đơn vị.

Bên cạnh đó, giá tham chiếu cũng là điều khiến các doanh nghiệp e ngại khi đăng ký tham gia đấu thầu vàng miếng lần này.

Cụ thể, giá tham chiếu mà NHNN đưa ra là 80,7 triệu đồng/lượng, mặc dù đã giảm 1,1 triệu đồng so với mức 81,8 triệu đồng/lượng đưa ra cho phiên 22/4 nhưng mức giá này vẫn cao gần ngang bằng mức niêm yết mua vào của các cơ sở kinh doanh vàng.

Theo một số ý kiến, việc chọn giá khởi điểm đấu thầu bằng giá mua vào của các doanh nghiệp có thể do Nhà nước đóng vai trò trung gian, phải nhập vàng từ nước ngoài.