Dưới áp lực từ căng thẳng địa chính trị và các biện pháp áp thuế quan đối ứng của Mỹ, ngành công nghiệp thép Việt Nam đang đứng trước nhiều thử thách, nhưng cũng mở ra những cơ hội mới. Ông Nguyễn Việt Thắng - Tổng Giám đốc Tập đoàn Hòa Phát đã chia sẻ góc nhìn của doanh nghiệp đi đầu ngành thép trong cuộc trao đổi mới đây với Phố Tài chính.
![]() |
Ông Nguyễn Việt Thắng - Tổng Giám đốc Tập đoàn Hòa Phát |
Thuế Mỹ không phải vấn đề lớn với ngành thép Việt Nam
Theo ông Thắng, việc Mỹ gia tăng các rào cản thương mại gần đây không gây tác động đáng kể đến ngành thép Việt Nam. Nguyên nhân là ngành này vốn đã chịu thuế theo Điều 232 của Mỹ từ nhiều năm nay. Những doanh nghiệp như Hòa Phát đã nằm trong diện chịu thuế 232 hiện không bị áp thêm thuế từ các gói đối ứng mới.
Thậm chí, nhiều đồng minh của Mỹ như Nhật Bản và Hàn Quốc từng được miễn trừ giờ đây cũng phải chịu thuế tương tự. Do đó, ông Thắng nhận định ngành thép không chịu tác động trực tiếp từ các chính sách thuế quan gần đây.
Tuy nhiên, thuế Mỹ tác động đến nền kinh tế Việt Nam, như tăng trưởng chậm lại hoặc biến động tỷ giá có thể ảnh hưởng gián tiếp đến nhu cầu tiêu thụ thép trong nước. Việc điều hành tỷ giá ổn định sẽ đóng vai trò then chốt với các doanh nghiệp có tỷ trọng nhập khẩu cao như Hòa Phát.
Ông Nguyễn Việt Thắng cho rằng chủ trương đẩy mạnh đầu tư công và giữ mục tiêu tăng trưởng 8% trong năm nay, 10% từ 2026 của Chính phủ là cú hích lớn cho ngành thép. Các dự án hạ tầng như đường sắt tốc độ cao sẽ thúc đẩy nhu cầu vật liệu xây dựng, trong đó có thép.
Hòa Phát hiện đặt mục tiêu tăng trưởng 15% mỗi năm trong 5 năm tới, với chiến lược giữ vững thị phần nội địa, phát triển sản phẩm thép chất lượng cao phục vụ công nghiệp chế biến và các ngành đặc thù như đóng tàu, dầu khí. Doanh nghiệp cũng đang triển khai dự án sản xuất thép ray cho đường sắt tốc độ cao - một trong những công trình trọng điểm của quốc gia.
Về xuất khẩu, Hòa Phát duy trì định hướng mở rộng ra nhiều thị trường, hạn chế phụ thuộc vào một khu vực cụ thể để tránh rủi ro từ các biện pháp phòng vệ thương mại. Tập đoàn hiện đã xuất khẩu sản phẩm đến khoảng 40 quốc gia, mỗi thị trường giữ một tỷ trọng vừa phải.
Hòa Phát tham gia dự án đường sắt và điện hạt nhân
![]() |
Ảnh minh họa |
Hưởng ứng cam kết Net Zero đến 2050 của Việt Nam tại COP26, Hòa Phát đang đầu tư mạnh mẽ cho các giải pháp giảm phát thải. Ông Thắng cho biết khoảng 30% tổng vốn đầu tư hiện nay của tập đoàn được dành cho các dự án môi trường. Các sáng kiến này sẽ được công bố cụ thể trong báo cáo ESG sắp phát hành.
Là doanh nghiệp sản xuất thép tư nhân lớn nhất Việt Nam và Đông Á, Hòa Phát xác định sứ mệnh đóng góp vào quá trình công nghiệp hóa đất nước. Mỗi năm, tập đoàn đầu tư khoảng 1 tỷ USD vào các dự án mới, trong đó có các lĩnh vực trọng điểm như đường sắt cao tốc và điện hạt nhân.
Theo ông Thắng, ngành thép là “bánh mì của công nghiệp hiện đại” - một nền tảng không thể thiếu nếu Việt Nam muốn xây dựng một nền công nghiệp tự chủ và tiên tiến. Hòa Phát cam kết luôn cập nhật công nghệ tiên tiến. Hiện tại, công nghệ sản xuất thép của Hòa Phát không thua các quốc gia G7 và có vị thế hàng đầu trong khu vực.
Ngoài ra, Hòa Phát cũng đang nỗ lực tự chủ nguồn nguyên liệu, từ đó hỗ trợ sự phát triển bền vững của ngành công nghiệp chế biến chế tạo trong nước - một trong những mũi nhọn tăng trưởng mới theo định hướng của Chính phủ.