![]() |
Ông Lê Đức Nghĩa - Chủ tịch HĐQT Gỗ An Cường |
Tại Đại hội cổ đông thường niên ngày 8/5/2025, ban lãnh đạo CTCP Gỗ An Cường (HoSE: ACG) đã thẳng thắn chia sẻ với cổ đông về những thách thức lớn trong năm nay, đặc biệt là tác động từ chính sách thuế quan của Mỹ và áp lực cạnh tranh từ hàng giá rẻ trong khu vực.
Theo cập nhật từ ban điều hành, một số mặt hàng xuất khẩu của An Cường hiện vẫn đang chịu thuế khi vào thị trường Mỹ (gần 350 triệu dân), trong khi một số khác tạm thời chưa bị áp do đang thuộc diện điều tra. Diễn biến chính sách sẽ phụ thuộc vào kết quả đàm phán song phương, tuy nhiên công ty đang chủ động làm việc với các đối tác phía Mỹ nhằm giữ mức thuế ở ngưỡng 15–20%. Lãnh đạo An Cường nhận định nếu giữ được biên thuế này, hoạt động xuất khẩu vẫn có thể duy trì hiệu quả.
Ông Lê Đức Nghĩa - Chủ tịch HĐQT nhấn mạnh: "Năm nay xuất khẩu của An Cường vào Mỹ vẫn rất tốt, hiện tháng 3 nhưng nhà máy đã chạy hết công suất đến cuối năm. Nếu không có gì thay đổi thì năm nay chúng ta xuất vào Mỹ phải tăng gấp rưỡi, gấp đôi năm ngoái... Bản thân tôi hy vọng có thể đàm phán được thuế hợp lý bởi vì làm gì có dân Mỹ nào đi làm may mặc, làm gì có dân Mỹ nào đi làm nội thất đâu. Nên là họ không mua hàng nội thất của chúng ta thì họ mua đâu".
Dưới áp lực này, quý I/2025 ghi nhận lợi nhuận xuất khẩu giảm do doanh nghiệp phải chấp nhận giảm giá, chiết khấu cho khách hàng mua số lượng lớn để xử lý hàng tồn kho. Đây được xem là giải pháp tình thế nhằm đẩy sản lượng và duy trì công suất nhà máy. Dù vậy, kết quả kinh doanh vẫn cho thấy tín hiệu tích cực: Doanh thu tăng 15,4% đạt 802 tỷ đồng, trong đó xuất khẩu chiếm 195 tỷ; lợi nhuận sau thuế tăng nhẹ 4,4%, lên 85 tỷ đồng.
Về vấn đề cạnh tranh, An Cường cũng đang chịu sức ép từ các sản phẩm gỗ giá rẻ đến từ Thái Lan và Trung Quốc. Tuy nhiên, ban lãnh đạo khẳng định hàng nhập khẩu giá thấp hiện không đạt tiêu chuẩn chất lượng và an toàn sức khỏe người tiêu dùng, trong khi sản phẩm của An Cường thuộc phân khúc trung – cao cấp, có định vị rõ ràng và kiểm soát chất lượng chặt chẽ. Công ty hiện chiếm hơn 10% thị phần gỗ công nghiệp toàn thị trường, riêng ở phân khúc trung – cao cấp chiếm hơn 50%.
Mảng tiêu thụ nội địa – từng chịu ảnh hưởng từ sự đóng băng của ngành bất động sản – đang cho thấy tín hiệu hồi phục. Ban lãnh đạo kỳ vọng “điểm rơi” lợi nhuận từ thị trường nội địa sẽ đến vào cuối năm 2025 hoặc giai đoạn 2026–2027, khi các dự án bất động sản quay lại chu kỳ triển khai nội thất.
Năm 2025, An Cường đặt mục tiêu doanh thu đạt 4.047 tỷ đồng (tăng 1,7%) và lợi nhuận sau thuế 450 tỷ đồng (tăng 7,2%). Công ty tiếp tục định hướng đầu tư vào chuyển đổi số, tái cấu trúc nguồn lực, và duy trì vị thế dẫn đầu ở phân khúc trung – cao cấp.
Được thành lập từ năm 2006, Gỗ An Cường hiện có hơn 2.500 nhân viên, 26 văn phòng đại diện trong và ngoài nước và mạng lưới xuất khẩu đến các thị trường lớn như Nhật Bản, Đông Nam Á, Mỹ và châu Âu.