Thép, BĐS, chứng khoán đồng loạt nằm sàn: Sự lao dốc sau đà “chạy” quá xa yếu tố cơ bản?

Đóng cửa phiên 3/10, VN-Index giảm hơn 33 điểm về sát mốc 1.120. Cổ phiếu ngành thép , bất động sản, chứng khoán đồng loạt nằm sàn. Đây cũng là 3 nhóm dẫn đầu đà giảm trong nhịp chỉnh kéo dài từ tháng 9 của thị trường. Tính đến nay, nhiều cổ phiếu hot của những ngành này đã mất hơn hàng chục % thị giá so với vùng đỉnh ngắn hạn hồi giữa tháng 9 như NVL, DXG, QCG, CEO, SSI, VND, FTS, HPG,….

Thép, BĐS, chứng khoán đồng loạt nằm sàn sau đà “chạy” quá xa yếu tố cơ bản?

Trước khi thị trường quay đầu giảm sau đà hưng phấn nhiều tháng liên tiếp, Tại Tọa đàm "Sóng Chứng Khoán 2023: V hay W?" do Chứng khoán Yuanta Việt Nam tổ chức ngày 19/8, bà Đỗ Hồng Vân, Trưởng nhóm phân tích dữ liệu, Khối dịch vụ thông tin tài chính FiinGroup nhận định giá cổ phiếu các nhóm này đã "chạy" rất xa so với sự cải thiện nền tảng cơ bản (phục hồi lợi nhuận). "Định giá mở rộng như thế kia thì bao giờ lợi nhuận mới theo kịp?", bà Vân phân tích.

Cụ thể, kể từ giữa tháng 4/2023, Chính phủ có sự đảo chiều sự chính sách giúp tâm lý nhà đầu tư trở nên cân bằng hơn. Nhờ đó, VN-Index có sự phục hồi mạnh mẽ.

Sự phục hồi đó đến từ rất nhiều nhóm ngành, đặc biệt những nhóm ngành có độ nhạy với lãi suất như dịch vụ tài chính (chủ yếu là chứng khoán), bất động sản. Hầu hết các cổ phiếu nhóm này đã tăng hơn 50% thậm chí gấp 2,3 lần thị giá chỉ trong vài tháng với lực kéo kỳ vọng hồi phục lợi nhuận.

Thép, BĐS, chứng khoán đồng loạt nằm sàn sau đà “chạy” quá xa yếu tố cơ bản?
FiinGroup

Dữ liệu của FiinGroup cho thấy có sự phục hồi nhẹ về lợi nhuận thị trường, biểu hiện ở việc tốc độ suy giảm lợi nhuận đã chậm lại so với các quý trước. Lợi nhuận quý 2/2023 đã tăng trưởng cao so với quý 1/2023 và quý 4/2022. “Chúng tôi tin rằng quý 4/2022 đã là đáy về suy giảm lợi nhuận doanh nghiệp”, bà Vân nói.

Tuy nhiên nhìn sâu vào từng nhóm ngành, chuyên gia FiinGroup chỉ ra những điểm đáng lưu ý.

Ngành bất động sản, trong quý 2 vừa qua được xếp vào nhóm tăng trưởng mạnh do tổng lợi nhuận tăng 61% so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng chủ yếu đóng góp từ vài doanh nghiệp như KBC, VHM.

“Với nhóm ngành này, nhà đầu tư quan tâm đến tiến độ thực hiện dự án và bán hàng hơn là câu chuyện tăng trưởng lợi nhuận. Bất động sản vẫn đang chu kỳ xuống, kỳ vọng sớm hồi phục có xác suất thấp. Doanh nghiệp bất động sản gặp vấn đề liên quan đến vốn và pháp lý dự án”, bà Vân nhận định.

Với các ngành ở nhóm hồi phục, chuyên gia cho rằng tốc độ suy giảm lợi nhuận đã chậm lại đáng kể, có chỉ báo liên quan đến sự hồi phục là biên lợi nhuận cải thiện.

Như nhóm thép, lợi nhuận giảm quý thứ 4 liên tiếp nhưng biên lợi nhuận chuyển từ âm sang dương, tức là doanh nghiệp hoạt động đã có lãi từ hoạt động kinh doanh cốt lõi. Tuy nhiên phần lớn các công ty trong ngành có số ngày tồn kho giảm, cho thấy bản thân doanh nghiệp không tự tin về việc bán hàng ở phía trước nên chủ động kiểm soát hàng tồn kho để duy trì lợi nhuận.