Sau khi Tổng thống Joe Biden ký ban hành thỏa thuận đình chỉ mức trần nợ công 31,4 nghìn tỷ USD cho đến đầu năm 2025, Bộ Tài chính Mỹ sẽ ồ ạt phát hành trái phiếu để bù đắp cho ngân khố đang cạn kiệt. Động thái này được cho là sẽ càng hút cạn thanh khoản trên thị trường, đe dọa các tài sản rủi ro như cổ phiếu.

Đợt bán trái phiếu đầu tiên của Bộ Tài chính Mỹ sẽ diễn ra vào ngày 5/6 với tổng trị giá khoảng 170 tỷ USD. Theo ước tính của một số nhà phân tích ở Phố Wall, đợt bán trái phiếu của nước này sẽ kéo dài đến cuối quý 3 với tổng giá trị lên tới 1,000 tỷ USD.

Nguy cơ thanh khoản thị trường cạn kiệt

Trong bối cảnh chương trình thắt chặt tiền tệ của Fed thông qua việc tăng lãi suất đã làm xói mòn dự trữ của các ngân hàng, các quỹ thị trường tiền tệ cũng đang tích trữ tiền mặt để phòng suy thoái kinh tế.

Khi đó, một đợt phát hành ồ ạt trái phiếu chính phủ Mỹ sẽ làm tăng thêm tác động của thắt chặt định lượng đối với thị trường cổ phiếu và trái phiếu, Nikolaos Panigirtzoglou, nhà chiến lược của ngân hàng JPMorgan Chase nhận định. Các lo ngại về tình trạng thiếu thanh khoản có thể kích hoạt làn sóng bán tháo trên hai thị trường này và có thể làm giảm gần 5% hiệu suất kết hợp của chúng trong năm nay.

Các chuyên gia kinh tế của ngân hàng Citigroup cũng dự đoán đợt phát hành trái phiếu mới của Bộ Tài chính Mỹ có thể gây ra tình trạng thiếu thanh khoản, khiến chỉ số S&P 500 giảm trung bình 5,4% trong 2 tháng.

Đợt bán trái phiếu của Bộ Tài chính Mỹ sẽ ảnh hưởng đến tất cả các loại tài sản và làm giảm thanh khoản vốn đang cạn kiệt. Ngân hàng JPMorgan Chase dự báo rằng mức độ thanh khoản của thị trường trái phiếu chính phủ Mỹ sẽ giảm khoảng 1,1 nghìn tỷ USD từ mức 25 nghìn tỷ USD vào đầu năm nay.

“Đây là một đợt rút thanh khoản rất lớn. Chỉ trong các vụ suy thoái nghiêm trọng như cú sụp đổ của ngân hàng Lehman vào năm 2008 mới làm mức độ thanh khoản giảm đến mức lớn như vậy”, theo nhà chiến lược Panigirtzoglou.

Làn sóng rút tiền tại các ngân hàng

Theo ước tính của JPMorgan, đợt phát hành trái phiếu mới này cùng với chính sách tiền tệ thắt chặt của Fed sẽ khiến cho mức độ thanh khoản của thị trường trái phiếu giảm đến 6% trong năm nay, đánh dấu mức giảm đầu tiên trong hầu hết các năm trong thập niên qua.

Hiện các ngân hàng hiện không có nhu cầu để mua trái phiếu chính phủ Mỹ do lợi suất của chúng không cao bằng lãi suất cho vay. Thay vào đó, người dân và doanh nghiệp có thể rút tiền gửi để mua trái phiếu này, làm trầm trọng thêm làn sóng rút tiền từ các ngân hàng khu vực trong thời gian gần đây.

Sự phấn khích của giới đầu tư về triển vọng của trí tuệ nhân tạo đã đưa chỉ số S&P 500 lên đỉnh của một thị trường giá lên sau ba tuần tăng điểm. Tuy nhiên, mặc dù thanh khoản đang được cải thiện đối với các cổ phiếu riêng lẻ, nhưng nỗi sợ về sụt giảm dự trữ của các ngân hàng vẫn làm giá cổ phiếu giảm và các tài sản rủi ro hơn sẽ chịu mức thua lỗ lớn.

Chủ tịch bộ phận chiến lược đa tài sản của ngân hàng Berenberg, Ulrich Urbahn, dự báo rằng “giá cổ phiếu sẽ giảm dần và không có sự tăng giá bùng nổ nào do tình trạng thanh khoản cạn kiệt”.