CTCP Thực phẩm Sao Ta (Mã: FMC) vừa công bố thông tin hoạt động tháng 9/2023 đạt 20,3 triệu USD, tăng 25% so với cùng kỳ, rút ngắn mức sụt giảm tính từ đầu năm còn 16%. Con số này nhìn qua không thấy yếu tố tích cực, nhưng nếu so toàn ngành thì con số này tạo ra sự ấn tượng không nhỏ.

Cụ thể, trong tháng 9, mảng tôm của Sao Ta tăng trưởng cả về sản lượng lẫn tiêu thụ, sản xuất tôm thành phẩm đạt 2.339 tấn, tiêu thụ tôm thành phẩm là 1.799 tấn tăng lần lượt 57% và 39% so với cùng kỳ.

Thực phẩm Sao Ta (FMC): doanh số tiêu thụ tháng 9 tăng 25% so với cùng kỳ

Về nông sản, sản xuất đạt 85 tấn giảm 26% so với cùng kỳ. Sản lượng tiêu thụ nông sản thành phẩm khoảng 128 tấn, tăng 93% so với tháng 9 năm ngoái.

Hoạt động kinh doanh của Thực phẩm Sao Ta đang trong tiến trình phục hồi, rút ngắn đà giảm ở 6 tháng đầu năm. Hiện nay, công ty tập trung chế biến các đơn hàng cao cấp cho các hợp đồng giao quý 4.

Về trại tôm, công ty đang thu hoạch và đã thu gần 2.000 tấn. Song, Sao Ta đánh giá kết quả này vẫn không như mong đợi, nhất là trong bối cảnh tỷ lệ nuôi tôm thành công không cao và cỡ tôm thu hoạch chỉ vừa phải.

Sao Ta dự kiến việc thu hoạch tôm sẽ kéo dài hết tháng 11 và ngay sau đó là thả nuôi vụ mới ngay trong năm, tranh thủ thời tiết không lạnh (do hiện tượng El Nino còn kéo dài) và độ mặn có sớm (năm nay dự báo hạn và xâm nhập mặn đến sớm).

Tại Hội thảo Quốc tế Ngành tôm diễn ra vào cuối tháng 8, ông Hồ Quốc Lực, Chủ tịch Sao Ta nhận định tình hình ngành tôm sẽ còn khó khăn đến ít nhất năm 2024.

Ước tính, tổng sản lượng tôm thế giới năm 2023 khoảng 6 triệu tấn, tăng 5% so với năm 2022, trong bối cảnh nhu cầu vẫn yếu. Trong khi năm nay, ngành nuôi tôm Việt Nam phải đối diện với dịch bệnh lây lan mạnh khiến tỷ lệ chết nhiều, cộng thêm chi phí thức ăn tăng cao kéo theo giá thành nuôi tôm tăng. Cùng lúc đó, giá tôm nguyên liệu tại bờ liên tục giảm khiến người nuôi không an tâm trong việc tái thả giống.