Cục Quản lý và Phát triển thị trường trong nước (Bộ Công Thương) vừa công bố danh sách thương nhân đầu mối xăng dầu tính đến ngày 23/7. Theo đó, cả nước hiện có 33 thương nhân đầu mối và 258 thương nhân phân phối xăng dầu.
Danh sách đầu mối bao gồm các doanh nghiệp lớn như Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex), Công ty TNHH MTV Dầu khí TP. HCM, Tổng công ty Dầu Việt Nam (PV Oil), Tổng công ty Xăng dầu Quân đội, Tổng công ty thương mại xuất nhập khẩu Thanh Lễ, Công ty cổ phần Hóa dầu Quân đội, Công ty CP Thương mại Dầu khí Đồng Tháp, Công ty CP Thương mại Đầu tư Dầu khí Nam Sông Hậu…
Số lượng thương nhân phân phối hiện tại đã giảm đáng kể so với thời điểm cao nhất cách đây hai năm, từng có tới 330 đơn vị hoạt động. Theo Bộ Công Thương, nhiều doanh nghiệp đã chủ động trả lại giấy chứng nhận do không còn đáp ứng đủ điều kiện kinh doanh phân phối xăng dầu theo quy định.
Trong năm 2025, tổng nguồn xăng dầu tối thiểu được Bộ Công Thương phân giao cho các thương nhân đầu mối thực hiện là 29,5 triệu m3/tấn, bao gồm 28,3 triệu m3/tấn xăng dầu mặt đất và 1,2 triệu m3/tấn nhiên liệu hàng không.
Tính trong 6 tháng đầu năm, tổng nguồn cung xăng dầu đạt khoảng 13,86 triệu m3/tấn, tương đương 47% kế hoạch năm, tăng nhẹ 1,1% so với cùng kỳ năm 2024. Trong đó, sản lượng nhập khẩu ước khoảng 4,8 triệu tấn (tương đương 5,76 triệu m3/tấn), sản xuất trong nước đạt 7,83 triệu tấn (tương đương 9,396 triệu m3/tấn).
Sản lượng tiêu thụ cơ bản bám sát kế hoạch phân bổ theo từng quý đã đăng ký với Bộ Công Thương. Dự kiến trong 6 tháng cuối năm 2025, tổng nhu cầu xăng dầu tiêu thụ khoảng 13,2 triệu m3/tấn.
Các thương nhân đầu mối đã xây dựng phương án cung ứng đạt 14,3 triệu m3/tấn, đảm bảo đủ nhu cầu thị trường và duy trì tồn kho ổn định ở mức khoảng 1,5 triệu m3/tấn.