Theo Báo Đầu tư, Tập đoàn Vingroup (HoSE: VIC) mới đây đã có văn bản gửi UBND TP.HCM, đề xuất đầu tư dự án nhà máy điện gió gần bờ tại khu vực huyện Cần Giờ.

Dự án được Vingroup đề xuất có công suất khoảng 3.000MW, sản xuất khoảng 9 tỷ kWh điện mỗi năm. Tổng mức đầu tư sơ bộ khoảng 4,5 tỷ USD, được phân kỳ theo nhu cầu phụ tải từng giai đoạn.

Trong văn bản, Vingroup nêu rõ mục tiêu đầu tư dự án nhằm phục vụ nhu cầu điện nội khu của Khu đô thị lấn biển Cần Giờ, đồng thời đáp ứng các nhu cầu sử dụng điện nội bộ khác của Tập đoàn.

Để triển khai các bước tiếp theo, Vingroup đề nghị UBND TP.HCM cho phép nghiên cứu, khảo sát khu vực biển Cần Giờ với diện tích 1.163ha, bao trùm toàn bộ vùng biển huyện này.

Sau khi tiếp nhận đề xuất, UBND TP. HCM đã giao Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan hướng dẫn thủ tục cho doanh nghiệp. Theo đó, ngày 21/5/2025, Sở Tài chính có văn bản đề nghị Vingroup cung cấp toàn bộ hồ sơ pháp lý liên quan đến đề xuất dự án, đồng thời báo cáo tiến độ triển khai, hiện trạng sử dụng đất, các khó khăn, vướng mắc và kiến nghị để cơ quan chức năng có cơ sở hướng dẫn thực hiện theo đúng quy định pháp luật.

Tiếp bước metro TP. HCM - Cần Giờ, Vingroup (VIC) đề xuất xây nhà máy điện gió 4,5 tỷ USD cho siêu dự án lấn biển rộng 2.870ha
Vị trí xây khu đô thị lấn biển Cần Giờ (Ảnh: Quỳnh Danh - Liên Phạm)

Được biết, huyện Cần Giờ là nơi triển khai siêu dự án khu đô thị lấn biển Cần Giờ do CTCP Đô thị Du lịch Cần Giờ - công ty con của Vingroup làm chủ đầu tư. Dự án nằm trên địa bàn xã Long Hòa và thị trấn Cần Thạnh với diện tích 2.870ha, quy mô dân số tối đa hơn 228.000 người. Khu đô thị này đã chính thức khởi công vào ngày 19/4 vừa qua.

Ngoài ra, Vingroup cũng là doanh nghiệp tư nhân duy nhất đề xuất đầu tư tuyến đường sắt đô thị nối trung tâm TP. HCM đi Cần Giờ theo hình thức đối tác công - tư (PPP). Theo đó, UBND TP. HCM đã thống nhất chủ trương cho phép Tập đoàn nghiên cứu, lập hồ sơ đề xuất dự án theo phương thức trên. VIC sẽ tự cân đối kinh phí thực hiện nghiên cứu và lập hồ sơ, không sử dụng ngân sách thành phố. Trường hợp hồ sơ không được chấp thuận, doanh nghiệp sẽ phải tự chịu toàn bộ chi phí và rủi ro liên quan.

Theo đề xuất, tuyến đường sắt đôi khổ 1.435mm sẽ được điện khí hóa, chiều dài khoảng 48,5km, tốc độ thiết kế tối đa 250km/h, tải trọng trục 17 tấn/trục. Tổng mức đầu tư sơ bộ khoảng 102.370 tỷ đồng (tương đương 4,09 tỷ USD). Tuyến bắt đầu từ đường Nguyễn Văn Linh (đoạn giữa nút giao Nguyễn Thị Thập và Lý Thục Mạn, quận 7) và kết thúc tại khu đất rộng 39ha giáp Khu đô thị du lịch lấn biển Cần Giờ (xã Long Hòa, huyện Cần Giờ).

“Tập đoàn mong muốn đóng góp nhiều hơn cho sự phát triển của đất nước nói chung và TP. HCM nói riêng. Dự án đường sắt đô thị tốc độ cao kỳ vọng sẽ tạo cú hích mạnh mẽ cho du lịch, đầu tư và nâng cao chất lượng kết nối giao thông, rút ngắn thời gian di chuyển từ trung tâm thành phố đến Cần Giờ”, Vingroup chia sẻ trong văn bản gửi Sở Tài chính TP. HCM.