Tại Tọa đàm "Kinh tế tư nhân: Động lực vươn mình từ Nghị quyết 68", ông Nguyễn Hữu Hùng, Phó Chủ tịch Tập đoàn Đèo Cả, đã đưa ra thông điệp thẳng thắn: tư nhân không cần được ưu ái, nhưng cần được tin tưởng và trao cơ hội hành động.

Dẫn chứng từ chính chặng đường 40 năm phát triển của Đèo Cả – một trong những doanh nghiệp tiên phong mô hình PPP tại Việt Nam, ông Hùng nhấn mạnh: thành công của chúng tôi không đến từ vị thế hay mối quan hệ, mà đến từ khả năng làm chủ công nghệ và tư duy tiếp cận hiện đại.

“Nếu chỉ là một nhà đầu tư đơn thuần, chúng tôi không thể làm được những dự án như hầm Hải Vân 1, hầm Đèo Cả... Việc tiếp cận và làm chủ công nghệ Nhật Bản, rồi sau đó giành lại các dự án về tay người Việt, giúp tiết kiệm đến 4.000 tỷ đồng so với hợp đồng của nước ngoài, giúp chúng tôi tiết kiệm tới 4.000 tỷ đồng cho ngân sách. Đó không chỉ là con số, mà là bằng chứng rằng tư nhân có thể làm được việc lớn", ông Hùng nhận định.

"Dần dần, chúng tôi thực hiện hầm Cù Mông cùng nhiều dự án khác và đến nay đã hoàn toàn làm chủ công nghệ xây hầm tại Việt Nam", ông Hùng cho biết thêm.

Tiết kiệm 4.000 tỷ ngân sách nhờ làm chủ công nghệ, sếp tập đoàn Đèo Cả: Hãy giao chúng tôi làm những dự án lớn như đường sắt tốc độ cao, metro

“Chúng tôi tiết kiệm được đến 4.000 tỷ đồng so với phương án thuê trọn gói nước ngoài. Quan trọng hơn, chúng tôi đã từng bước làm chủ công nghệ thi công hầm, điều trước đó nhiều người nghĩ chỉ doanh nghiệp ngoại mới làm được", ông Hùng cho hay.

Ông Hùng cho rằng, bài toán hạ tầng không thể chỉ trông chờ vào một vài “ông lớn”. Những doanh nghiệp địa phương, vừa và nhỏ, nếu không được trao cơ hội phát triển, sẽ không thể trở thành lực lượng thực thi trong dài hạn. Cơ chế xin – cho, rào cản chính sách, hay sự thiên lệch trong phân bổ dự án đang kìm hãm một nguồn lực quý báu cho đất nước.

Tư nhân, theo ông Hùng, không chỉ cần môi trường thông thoáng mà còn cần một hệ giá trị mới: văn hóa trách nhiệm, tinh thần dám nghĩ, dám làm, chiến lược nhân lực dài hạn và tư duy đổi mới sáng tạo. Đó cũng là những yếu tố ông gọi là điều kiện tiên quyết để tư nhân không bị mắc kẹt trong vùng an toàn và thụ động.

Tương tự câu chuyện làm hầm, ông Hùng cho rằng với các dự án lớn tới đây như đường sắt tốc độ cao, các dự án metro... nếu không mạnh dạn giao cho các doanh nghiệp trong nước làm thì không thể làm được.

“Chúng tôi đã tiết kiệm 4.000 tỷ đồng nhờ làm chủ công nghệ. Hãy để Đèo Cả tiến tới tự chủ trong các lĩnh vực như đào hầm hay đường sắt tốc độ cao. Nếu không bắt tay vào làm, thì động lực chỉ mãi nằm trên giấy", ông Hùng kiến nghị.

Từ góc nhìn doanh nghiệp, Phó Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Đèo Cả kêu gọi “mở cửa” cơ hội cho doanh nghiệp tư nhân bằng loạt kiến nghị: xây dựng văn hóa doanh nghiệp gắn liền với trách nhiệm xã hội; phát huy tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm để vượt khỏi vùng an toàn; hoạch định chiến lược đào tạo nhân lực bài bản để không hụt hơi khi hạ tầng phát triển; đổi mới sáng tạo dựa trên trí tuệ và công nghệ chứ không chạy theo bề nổi; và cuối cùng là tinh gọn bộ máy, ứng dụng công nghệ để nâng cao hiệu suất.

“Đừng để động lực chỉ là lời hô hào. Kinh tế tư nhân cần niềm tin, cần không gian và quan trọng nhất là cần hành động cụ thể để cùng đất nước bước sang một giai đoạn phát triển mới", ông Hùng nhấn mạnh.