Động thái lạ của sếp lớn Trung Quốc

Hãng thông tấn Reuters đưa tin, Erich Andersen, cố vấn chung của TikTok và công ty mẹ Trung Quốc ByteDance, cho biết hôm thứ Sáu (26/4) rằng ông sẽ từ chức vào tháng 6 năm nay, theo một tuyên bố của công ty.

TikTok bị Mỹ cấm cửa: Sếp lớn từ chức để đi kiện, "máy hái tiền" Trung Quốc về tay ai?
Erich Andersen, cố vấn chung của TikTok và ByteDance sẽ từ chức vào tháng 6 năm nay

Được biết, Andersen sẽ trở thành cố vấn đặc biệt của công ty ByteDance để tập trung vào việc giúp TikTok lật ngược tình thế liên quan đến dự luật được Tổng thống Joe Biden ký duyệt thành luật ngày 24/4 vừa qua.

Đạo luật này cho ByteDance 270 ngày để TikTok - ứng dụng chuyên về sản xuất và lan truyền các video ngắn - thoái vốn ở Mỹ. Nếu không, mạng xã hội ăn khách toàn cầu này sẽ phải đối mặt với lệnh cấm hoạt động tại xứ sở cờ hoa.

TikTok cho biết trong tuần này rằng họ đã có kế hoạch đệ đơn kiện để “đảo ngược thế cờ” bất lợi tại Mỹ, nhưng từ chối cho biết khi nào mình có kế hoạch thực hiện điều đó.

Ai sẽ mua TikTok?

Hãng tin CNN vừa đưa ra những dự báo về danh tính chủ nhân mới của TikTok nếu ByteDance chịu bán “đứa con cưng” của mình cho một công ty Mỹ để tránh viễn cảnh không còn được hiện diện ở xứ sở cờ hoa.

Theo ký giả Brian Fung của CNN, đừng mong đợi Meta (công ty mẹ của Facebook) hay Google “nhảy vào cuộc đua” tranh quyền tiếp quản ứng dụng video "hái ra tiền" đang thu hút 170 triệu người Mỹ sử dụng.

TikTok bị Mỹ cấm cửa: Sếp lớn từ chức để đi kiện, "máy hái tiền" Trung Quốc về tay ai?
Liệu TikTok có sớm đổi chủ? - Ảnh: Reuters

Meta hiện đang đấu tranh với một vụ kiện của Ủy ban Thương mại Liên bang (FTC) cáo buộc việc mua WhatsApp và Instagram của họ đã vi phạm luật chống độc quyền của Hoa Kỳ. FTC cũng đang tích cực tìm cách “xóa sổ” công ty mẹ của Facebook.

Còn Google cũng đang đấu tranh với các vụ kiện chống độc quyền của Bộ Tư pháp Mỹ trên hai mặt trận. Những điều này liên quan đến hoạt động kinh doanh công nghệ tìm kiếm và quảng cáo chứ không phải quyền sở hữu YouTube. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng công ty Google đang bị giám sát chặt chẽ đến mức việc mua TikTok sẽ là một “hạ sách”.

Gene Kimmelman, cựu quan chức chống độc quyền của Bộ Tư pháp Mỹ, cho biết về những ứng cử viên có thể là chủ mới của TikTok: “Nếu đó là Amazon, Microsoft, Google hoặc Meta, tôi chỉ nghĩ rằng bạn sẽ thấy mối lo ngại đáng kể về chống độc quyền. Nếu bạn nói, chẳng hạn như Intel hay Cisco, có thể là Oracle, thì tôi không biết nữa. Nếu bạn nói với tôi đó là Verizon hoặc AT&T, có lẽ đó cũng không phải là vấn đề lớn”.

Jasmine Enberg, nhà phân tích chính tại Emarketer, nhấn mạnh một nghịch lý: “Chỉ những gã khổng lồ công nghệ lớn nhất, thống trị nhất mới có đủ nguồn lực để mua TikTok. Nhưng có thể họ sẽ thu hút sự hoài nghi nếu làm điều đó”.

Một doanh nhân khác bày tỏ sự quan tâm đến việc mua TikTok là Kevin O'Leary, Chủ tịch người Canada của công ty đầu tư mạo hiểm tư nhân O'Leary Ventures. Ông O'Leary cho biết để việc mua lại TikTok đầy tiềm năng thành công, có thể phải loại trừ thuật toán của TikTok. Giá thầu mở đầu được đề xuất là từ 20 tỷ đến 30 tỷ USD.

Trong một động thái khiến nhiều người ngạc nhiên, cựu Bộ trưởng Tài chính Mỹ thời cựu Tổng thống Donald Trump, Steven Mnuchin, đã thông báo vào tháng trước rằng ông đang tập hợp một nhóm các nhà đầu tư để mua TikTok.