Mới đây, tỉnh Long An đã thông tin về tình hình kinh tế - xã hội trong 6 tháng đầu năm 2024.

Theo đó, kinh tế tỉnh có mức tăng trưởng khá; tốc độ tăng tổng sản phẩm (GRDP) ước tăng 5,26%. Đây là mức tăng trưởng tích cực và cao nhất từ năm 2022 đến nay...

Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh Long An trong 6 tháng đầu năm 2024 là 14.077 tỷ đồng, đạt 66,1% dự toán tỉnh giao, tăng 40,3% so với cùng kỳ.

Đặc biệt, công tác thu hút, hỗ trợ đầu tư đạt nhiều kết quả nổi bật. Trong 6 tháng đầu năm nay, toàn tỉnh có 912 doanh nghiệp thành lập mới, với tổng vốn đăng ký 7.930 tỷ đồng; so với cùng kỳ tăng 34% về số doanh nghiệp và số vốn. Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 18.053 doanh nghiệp đăng ký hoạt động với tổng vốn đăng ký 379.711 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, tỉnh đã cấp mới 16 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đăng ký 2.818 tỷ đồng; đến nay, trên địa bàn tỉnh có 2.215 dự án với số vốn đăng ký 300.786 tỷ đồng.

Về đầu tư nước ngoài (FDI), tỉnh cấp mới 44 dự án, tăng 12 dự án so với cùng kỳ, với tổng vốn cấp mới 226,4 triệu USD. Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 1.301 dự án, vốn đăng ký 11.252,5 triệu USD; trong đó có 635 dự án đi vào hoạt động, vốn 4.213 triệu USD.

Long An – Wikipedia tiếng Việt

Một góc Long An

Theo quy hoạch Long An thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, đến năm 2030, tỉnh Long An sẽ có 51 khu công nghiệp (KCN), quy hoạch mới 28 cụm công nghiệp, tỉnh tập trung phát triển một số ngành công nghiệp chủ yếu như cơ khí chế tạo, chế biến thực phẩm...

Hiện nay, toàn tỉnh Long An có 26 KCN đủ điều kiện tiếp nhận đầu tư với diện tích đất công nghiệp đã cho thuê gần 2.900ha, tỷ lệ lấp đầy đạt 67,72%; có 17 cụm công nghiệp đang hoạt động với tổng diện tích đất đã cho thuê hơn 600ha, tỷ lệ lấp đầy đạt 83,62%.

Với số lượng tăng thêm 25 khu công nghiệp (và quy hoạch mới thêm 11 cụm công nghiệp), theo quy hoạch đến năm 2030, Long An sẽ trở thành địa phương đứng thứ 2 cả nước (sau Bình Dương) về diện tích các KCN, tạo điều kiện và cơ hội lớn để thu hút đầu tư...

Tầm nhìn đến năm 2050, thành phố Tân An sẽ là đô thị loại I đến năm 2030, là trung tâm chính trị, hành chính, đô thị hạt nhân, đô thị vệ tinh của TP. HCM.

Đồng thời, đây sẽ là trung tâm thương mại, dịch vụ, công nghiệp công nghệ cao, hiện đại phía Đông Bắc của vùng đồng bằng sông Cửu Long, đô thị cửa ngõ giữa vùng Đông Nam Bộ và vùng đồng bằng sông Cửu Long. Đáng chú ý, quy hoạch nêu rõ, thành phố Tân An sẽ đảm bảo diện tích tự nhiên từ 150km2 trở lên.