Theo Báo cáo kinh tế - xã hội tháng 4 và 4 tháng đầu năm của Tổng cục Thống kê, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thực hiện tại Việt Nam 4 tháng qua ước đạt 6,28 tỷ USD, tăng 7,4% so với cùng kỳ năm trước. Đây là vốn FDI thực hiện cao nhất của 4 tháng đầu năm trong 5 năm qua.

Trong đó, công nghiệp chế biến, chế tạo đạt 4,93 tỷ USD, chiếm 78,5% tổng vốn FDI thực hiện; hoạt động kinh doanh bất động sản đạt 607,6 triệu USD, chiếm 9,7%; sản xuất, phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí đạt 259,8 triệu USD, chiếm 4,1%.

Tính đến ngày 20/4/2024, tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam đạt gần 9,27 tỷ USD, tăng 4,5% so với cùng kỳ năm trước. Vốn đăng ký cấp mới có 966 dự án được cấp phép với số vốn đăng ký đạt 7,11 tỷ USD, tăng 28,8% so với cùng kỳ năm trước về số dự án và tăng 73,2% về số vốn đăng ký.

Cụ thể, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo được cấp phép mới đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn nhất với số vốn đăng ký đạt gần 5 tỷ USD, chiếm 70,2% tổng vốn đăng ký cấp mới; hoạt động kinh doanh bất động sản đạt 1,6 tỷ USD, chiếm 22,5%; các ngành còn lại đạt 519,6 triệu USD, chiếm 7,3%.

Từ đầu năm đến nay, Singapore là nhà đầu tư lớn nhất với 2,59 tỷ USD, chiếm 36,4% tổng vốn đăng ký cấp mới. Tiếp đến là Đặc khu hành chính Hồng Kông (Trung Quốc) 898,6 triệu USD, chiếm 12,6%; Nhật Bản 814,1 triệu USD, chiếm 11,4%; Trung Quốc 740,2 triệu USD, chiếm 10,4%; Thổ Nhĩ Kỳ 730,1 triệu USD, chiếm 10,3%; Đài Loan 512,3 triệu USD, chiếm 7,2%.

Các nhà đầu tư đã rót vốn vào 44 tỉnh, thành phố trên cả nước. Bà Rịa - Vũng Tàu dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 1,5 tỷ USD, chiếm hơn 16% tổng vốn đầu tư cả nước, gấp hơn 12 lần cùng kỳ. Vốn đầu tư của Bà Rịa - Vũng Tàu tăng mạnh do có dự án lớn với tổng vốn đầu tư 730 triệu USD.

Theo lãnh đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, để có được kết quả như hiện nay, tỉnh luôn kiên trì với mục tiêu phát triển bền vững, thu hút đầu tư có chọn lọc, tăng cường cải cách hành chính, nâng cao hiệu quả các hoạt động quản lý nhà nước để hỗ trợ doanh nghiệp cùng phát triển.

Không chỉ tạo ra hệ sinh thái để những doanh nghiệp công nghệ cao, có tiềm lực tài chính tin tưởng và mạnh dạn đầu tư mà còn liên tục nghiên cứu, chủ động áp dụng những giải pháp đổi mới để cải cách hành chính. Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã thành lập, vận hành hiệu quả Tổ công tác đặc biệt; kịp thời tiếp nhận, xử lý hàng loạt các vướng mắc, kiến nghị của các doanh nghiệp, nhà đầu tư.

Phát triển TP Vũng Tàu thành trung tâm du lịch chất lượng cao, đẳng cấp  quốc tế

TP. Vũng Tàu

Vị trí thứ 2 thuộc về Hà Nội với 1,15 tỷ USD. Tính chung 4 tháng đầu năm 2024, toàn thành phố thu hút 1.132 triệu USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), trong đó, đăng ký cấp mới 73 dự án với số vốn đạt 1.008 triệu USD; 47 dự án bổ sung tăng vốn đầu tư với 79 triệu USD; nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, mua cổ phần 65 lượt, đạt 45 triệu USD. Có 14 dự án được điều chỉnh tăng vốn đầu tư với 57,4 triệu USD; có 27 lượt nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, mua cổ phần với số vốn đạt 15,5 triệu USD.

Cũng trong tháng 4, thành phố đã cấp giấy chứng nhận cho 2.514 doanh nghiệp thành lập mới, giảm 4% so với cùng kỳ năm trước; vốn đăng ký đạt 25.600 tỷ đồng, tăng 24%; 758 doanh nghiệp hoạt động trở lại, tăng 14%; 1.878 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng hoạt động, tăng 16%; 269 doanh nghiệp giải thể, giảm 13%.

Sắp lập quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030 - Nhịp sống kinh tế  Việt Nam & Thế giới

TP. Hà Nội

Bắc Ninh đứng thứ 3 với tổng vốn đầu tư đăng ký gần 100 triệu USD. 4 tháng đầu năm 2024, các khu công nghiệp Bắc Ninh thu hút đầu tư được 997,1 triệu USD vốn đầu tư FDI và hơn 3.601 tỷ đồng vốn trong nước.

Cụ thể, Ban Quản lý các Khu công nghiệp tỉnh cấp mới đăng ký đầu tư cho 45 dự án với tổng vốn đầu tư đăng ký là 488 triệu USD; cấp điều chỉnh vốn cho 44 dự án với số vốn điều chỉnh tăng là 409,1 triệu USD. Đồng thời chấm dứt hoạt động 12 dự án FDI với tổng vốn đầu tư đăng ký 18,68 triệu USD.

Riêng trong tháng 4, Ban Quản lý các Khu công nghiệp Bắc Ninh cấp mới đăng ký đầu tư cho 12 dự án và cấp điều chỉnh vốn cho 13 dự án, với tổng số vốn cấp mới và điều chỉnh là hơn 142,7 triệu USD.

Các vị trí tiếp theo là Quảng Ninh, Thái Nguyên, TP. HCM, Đồng Nai… Vốn FDI tập trung nhiều vào các tỉnh, thành phố có nhiều lợi thế trong thu hút đầu tư nước ngoài, có cơ sở hạ tầng tốt, nguồn nhân lực ổn định, nỗ lực cải cách thủ tục hành chính và năng động trong công tác xúc tiến đầu tư là Hà Nội, Bắc Ninh, Quảng Ninh, Thái Nguyên, TP. HCM, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Hưng Yên, Bắc Giang, Hải Phòng. 10 địa phương này đã chiếm gần 75% số dự án mới và hơn 79% số vốn đầu tư của cả nước trong 4 tháng.