Ngày 28/4, Hội nghị công bố quy hoạch tỉnh Ninh Thuận thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và xúc tiến đầu tư tỉnh Ninh Thuận diễn ra và có sự tham gia của Thủ tướng Chính phủ - Phạm Minh Chính và nhiều Bộ trưởng, lãnh đạo các cơ quan ban ngành.

Tại hội nghị, UBND tỉnh Ninh Thuận đã trao quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và bản ghi nhớ nghiên cứu phát triển dự án cho 14 nhà đầu tư với tổng số vốn dự kiến đầu tư là 120.000 tỷ đồng.

Trong đó, UBND tỉnh Ninh Thuận có trao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho dự án Nhà máy điện gió Phước Hữu của CTCP Tập đoàn Hà Đô (HoSE: HDG).

Trao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư dự án điện gió 1.730 tỷ đồng cho Tập đoàn Hà Đô (HDG)
Tỉnh Ninh Thuận trao quyết định chủ trương đầu tư và bản ghi nhớ nghiên cứu đầu tư cho 14 dự án với tổng vốn đầu tư trên 120.000 tỷ đồng

Theo tìm hiểu, dự án Nhà máy điện gió Phước Hữu có công suất 50MW, tổng vốn đầu tư 1.730 tỷ đồng và được Hà Đô luôn theo sát. Trong trường hợp mức giá cho năng lượng tái tạo mới được ban hành trong năm 2024 ở mức “đủ khả thi”, dự án này sẽ được triển khai ngay sau đó.

Về tiềm năng đầu tư tại Ninh Thuận, Thủ tướng xác định 6 lợi thế của Ninh Thuận về hạ tầng kết nối giao thông; tiềm năng phát triển du lịch đa dạng; có lợi thế về phát triển nông, lâm nghiệp, thủy sản; có tiềm năng lớn về phát triển năng lượng tái tạo cũng như có điều kiện thuận lợi cho phát triển công nghiệp; có bề dày lịch sử và nền văn hóa lâu đời. Với những lợi thế này, thời gian qua, tỉnh duy trì tốc độ tăng trưởng giai đoạn 2010-2023 đạt bình quân 8,6%/năm, cao hơn bình quân của cả nước; riêng năm 2023 tốc độ tăng trưởng GRDP đạt 9,4%, xếp thứ 9/63 tỉnh/thành phố.

Trước đó, ngày 21/4, Hà Đô cũng được UBND tỉnh Lạng Sơn đã trao biên bản ghi nhớ đầu tư dự án Nhà máy điện gió Bình Gia có quy mô 80MW, tổng vốn đầu tư dự kiến khoảng 3.000 tỷ đồng.

Hiện tại, Hà Đô đang là chủ đầu tư của 8 nhà máy năng lượng, bao gồm: 5 nhà máy thuỷ điện, 2 nhà máy điện mặt trời và 1 nhà máy điện gió với tổng công suất gần 500MW, đạt doanh thu khoảng 2.000 tỷ đồng mỗi năm. Đến năm 2030, dự kiến Hà Đô sẽ nâng công suất phát điện lên trên 1GW, với doanh thu khoảng 5.000 tỷ đồng/năm.