Ngày 15/4/2025, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ký sắc lệnh yêu cầu Bộ trưởng Thương mại Howard Lutnick khởi động cuộc điều tra về các khoáng sản nhập khẩu theo Mục 232 của Đạo luật Mở rộng Thương mại năm 1962. Động thái này đánh dấu bước leo thang tiếp theo trong chính sách thương mại cứng rắn của ông, sau hàng loạt cuộc điều tra và áp thuế đối với thép, nhôm, ô tô, chất bán dẫn và dược phẩm.
Theo thông cáo chính thức từ Nhà Trắng, cuộc điều tra nhằm "đánh giá tác động của việc nhập khẩu các vật liệu này đối với an ninh và khả năng phục hồi của Mỹ". Nếu Bộ Thương mại kết luận rằng sự phụ thuộc vào nhập khẩu khoáng sản đe dọa an ninh quốc gia và Tổng thống quyết định hành động, các loại thuế mới sẽ được áp dụng, thay thế cho các thuế đối ứng được công bố đầu tháng này.
Phạm vi điều tra bao trùm một danh mục khoáng sản rộng lớn, bao gồm không chỉ các nguyên tố đất hiếm, mà còn cả cobalt, nickel, uranium và các sản phẩm đã qua chế biến và dẫn xuất từ những khoáng sản này. Đây là những vật liệu nền tảng trong sản xuất động cơ phản lực, hệ thống dẫn đường tên lửa, máy tính tiên tiến, radar, thiết bị quang học và truyền thông.
Theo quy định, Bộ trưởng Thương mại sẽ phải hoàn tất và công bố kết quả điều tra trong vòng 270 ngày kể từ khi sắc lệnh có hiệu lực.
![]() |
Phạm vi điều tra bao trùm một danh mục khoáng sản rộng lớn. Ảnh minh hoạ |
Từ trước đó, chính quyền Trump đã nhiều lần bày tỏ lo ngại về sự phụ thuộc của Mỹ vào nguồn cung khoáng sản từ nước ngoài. Mặc dù Mỹ sở hữu một số loại khoáng sản chiến lược, quốc gia này vẫn phải nhập khẩu một lượng đáng kể – trong đó có tới 70% lượng đất hiếm nhập khẩu đến từ Trung Quốc. Hiện tại, Mỹ phụ thuộc vào ít nhất 15 loại khoáng sản thiết yếu từ các quốc gia khác.
Tháng trước, ông Trump cũng đã viện dẫn quyền hạn khẩn cấp nhằm thúc đẩy năng lực sản xuất khoáng sản trong nước, bao gồm cung cấp nguồn tài chính, các khoản vay và hỗ trợ đầu tư cho hoạt động khai thác và chế biến khoáng sản tại Mỹ. Bên cạnh đó, sắc lệnh mới còn yêu cầu đánh giá các khu vực liên bang có tiềm năng phát triển nguồn cung trong nước.
Cuộc điều tra lần này được khởi động trong bối cảnh căng thẳng thương mại Mỹ - Trung tiếp tục leo thang. Bắc Kinh gần đây đã công bố các biện pháp hạn chế xuất khẩu mới đối với đất hiếm, bao gồm các nguyên tố như samarium, gadolinium, terbium, dysprosium, lutetium, scandium và yttrium – vốn là thành phần thiết yếu trong công nghệ màn hình, nam châm công suất cao và thiết bị y tế hiện đại. Giới quan sát nhận định động thái của Trung Quốc sẽ tác động sâu rộng tới chuỗi cung ứng toàn cầu, đặc biệt là tại Mỹ, châu Âu và Nhật Bản.
Cùng lúc, chính quyền Trump cũng đang tích cực tìm kiếm các nguồn cung thay thế bên ngoài Trung Quốc. Một báo cáo mới đây cho biết Nhà Trắng đang cân nhắc tích trữ kim loại quý hiếm được khai thác từ đáy biển Thái Bình Dương, như một phần trong chiến lược bảo đảm an ninh tài nguyên. Cổ phiếu của USA Rare Earth – công ty khai thác khoáng sản hiếm – đã tăng mạnh sau thông tin này, phản ánh kỳ vọng tích cực từ thị trường.
Đồng thời, Washington cũng đang đàm phán với Cộng hòa Dân chủ Congo để đảm bảo quyền tiếp cận lâu dài với cobalt và lithium – hai khoáng chất thiết yếu trong sản xuất pin và xe điện. Tuy nhiên, các chuyên gia cảnh báo về nguy cơ bất ổn chính trị và tham nhũng tại khu vực này, có thể ảnh hưởng đến hiệu quả của các thỏa thuận.
Cuộc điều tra hiện tại sẽ là cơ sở để chính quyền Trump đưa ra các biện pháp ứng phó mới, được kỳ vọng không chỉ giúp củng cố năng lực công nghiệp quốc phòng mà còn thúc đẩy chiến lược tự chủ tài nguyên trong dài hạn. Kết quả điều tra dự kiến công bố trong vòng 180 đến 270 ngày tới, có thể sẽ làm thay đổi chính sách thuế quan hiện hành và định hình lại thị trường khoáng sản toàn cầu.