Trang tin Sohu của Trung Quốc dẫn lời các chuyên gia kinh tế nước này cho biết, trong bối cảnh lo ngại khả năng Mỹ từ chối trả nợ, Bắc Kinh có thể sẽ làm theo kế hoạch đòi nợ của Nga.

"Bí quyết" đòi nợ

Năm 2018, để bảo vệ mình trước các lệnh trừng phạt từ Washington, Nga đã bán tháo số lượng lớn trái phiếu Mỹ, chỉ giữ lại 15 tỷ USD. Mặc dù trước đó, Moscow từng nằm trong top 10 nước sở hữu trái phiếu Mỹ lớn nhất thế giới.

Động thái này đã giúp Nga đã tự bảo vệ mình khỏi thực tế là Mỹ có thể từ chối thanh toán các khoản vay của họ.

Hiện nay Bắc Kinh cũng đã bắt đầu quan tâm, thậm chí là áp dụng bước đi này, khi giảm dần tỷ lệ nắm giữ trái phiếu chính phủ Mỹ qua từng tháng.

Tính đến năm 2022, Trung Quốc không còn là chủ nợ lớn nhất của Mỹ, khi số lượng trái phiếu Chính phủ Mỹ mà Bắc Kinh nắm giữ đã xuống dưới mức 1 nghìn tỷ USD, lần đầu tiên kể từ năm 2010.

Bên cạnh đó, gần đây Nga cũng đã thông qua luật theo đó nước này có thể tiếp quản tài sản của các công ty nước ngoài hoạt động trên lãnh thổ của mình dưới sự quản lý từ bên ngoài.

Trang Sohu cho rằng Trung Quốc có thể tham khảo biện pháp này nếu chính phủ Mỹ từ chối trả nợ.

Xét tới việc tài sản của các công ty Mỹ tại Trung Quốc ước tính lên tới hàng trăm tỷ USD, thì số tiền này sẽ là khoản bù đắp thiệt hại, hay đòn bẩy tốt để gây sức ép với Mỹ trong những cuộc đàm phán.

Lo ngại khả năng trả nợ của Mỹ

Mặc dù Washington đã đạt được thỏa thuận đình chỉ trần nợ công ở mức 31.400 tỷ USD, tránh cho nước Mỹ khỏi nguy cơ vỡ nợ lần đầu tiên trong lịch sử.

Thế nhưng, những bất đồng liên tục về trần nợ và việc đình chỉ áp dụng trần nợ vào phút chót đã làm giảm lòng tin vào năng lực quản trị về các vấn đề tài khóa và nợ của Mỹ, theo cơ quan xếp hạng tín nhiệm Fitch Ratings.

Hiện Trung Quốc đang nắm giữ hơn 800 tỷ USD trái phiếu chính phủ Mỹ, đây rõ ràng là một con số khổng lồ, lớn hơn tổng sản phẩm quốc nội của rất nhiều quốc gia.

Trong bối cảnh đó, trang tin Sohu dẫn lời các chuyên gia kinh tế cho biết, Bắc Kinh chưa thực sự cảm thấy yên tâm về sự an toàn cho các tài sản của họ trên đất Mỹ. Nhất là khi tổng nợ chính phủ của nước Mỹ hiện đã vượt quá đáng kể các chỉ số về GDP.

Ngoài ra, nếu như nền kinh tế Mỹ gặp vấn đề hoặc quan hệ giữa hai nước xấu đi nghiêm trọng, Nhà Trắng hoàn toàn có thể từ chối các khoản nợ cho nước ngoài.

Chẳng hạn như với Nga, Washington đã áp đặt các biện pháp trừng phạt kinh tế chưa từng có tiền lệ, phong tỏa cũng như bày tỏ mong muốn tịch thu tài sản. Do đó, bất kỳ quốc gia nào khác cũng có thể rơi vào tình trạng như Moscow.

Ngoài ra, tờ Sohu nhận định, “rất có thể người Mỹ sẽ quá mải mê tiêu tiền đến mức hệ thống tài chính của họ không thể chịu đựng nổi và sụp đổ. Khi đó Washington sẽ không còn gì để trả nợ”.