Trong quý 1/2025, có 850 dự án mới được cấp phép với tổng vốn đăng ký đạt 4,33 tỷ USD, tăng 11,5% về số lượng dự án nhưng giảm 31,5% về vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2024.
Cùng với đó, vốn đăng ký điều chỉnh cũng ghi nhận những kết quả tích cực. Cụ thể, có 401 dự án đã được cấp phép từ trước đó đăng ký điều chỉnh tăng thêm vốn đầu tư với tổng giá trị 5,16 tỷ USD, gấp 5 lần so với cùng kỳ năm trước.
Ngoài ra, trong quý I/2025, cả nước có 810 lượt góp vốn với tổng giá trị 1,49 tỷ USD, tăng 83,7% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, 374 lượt góp vốn làm tăng vốn điều lệ của doanh nghiệp với giá trị 654,14 triệu USD và 436 lượt mua lại cổ phần trong nước mà không làm tăng vốn điều lệ với giá trị 835,31 triệu USD.
![]() |
Ảnh minh họa - Nguồn: Internet |
Về địa bàn đầu tư, trong quý I/2025, các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 50 tỉnh, thành phố trên cả nước. Trong đó, 4 địa phương này nổi bật khi thu hút FDI vượt mức 1 tỷ USD trong 3 tháng đầu năm 2025.
Cụ thể, Bắc Ninh dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt gần 1,9 tỷ USD, chiếm 17,3% tổng vốn đầu tư cả nước, gấp gần 2,1 lần cùng kỳ. Đứng ở vị trí thứ hai là TP.HCM với gần 1,43 tỷ USD, chiếm gần 13% tổng vốn đầu tư đăng ký, tăng 58,3% so với cùng kỳ.
Hà Nội xếp thứ ba trên cả nước với tổng vốn đầu tư đăng ký gần 1,42 tỷ USD, chiếm 12,9% tổng vốn đầu tư cả nước, tăng 23,6% so với cùng kỳ; Đồng Nai xếp thứ tư với tổng vốn FDI đăng ký đạt 1,35 tỷ USD, tăng gần 2,5 lần so với cùng kỳ.
Tại Hội nghị Trung ương 11 khóa XIII, Tổng Bí thư Tô Lâm đã ký ban hành Nghị quyết số 60-NQ/TW về phương án sắp xếp 34 đơn vị hành chính cấp tỉnh.
Theo đó, hai tỉnh Bắc Ninh và Bắc Giang sẽ hợp nhất thành tỉnh mới, lấy tên là tỉnh Bắc Ninh, trung tâm chính trị - hành chính đặt tại tỉnh Bắc Giang.
Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, tỉnh Bình Dương và TP.HCM hợp nhất thành một địa phương mới; lấy tên là TP.HCM, trung tâm chính trị - hành chính đặt tại TP.HCM.
Hai tỉnh Đồng Nai và Bình Phước hợp nhất thành một tỉnh, lấy tên là tỉnh Đồng Nai, trung tâm chính trị - hành chính đặt tại tỉnh Đồng Nai.
Trong khi đó, 11 đơn vị hành chính cấp tỉnh không thực hiện sáp nhập gồm: Hà Nội, Huế, Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh và Cao Bằng.