Không làm chủ không gian, khó giữ chủ quyền
Tại Tọa đàm “Đưa công nghệ vũ trụ trở thành động lực phát triển mới” sáng 24/7, TS. Nguyễn Quân – nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, nhấn mạnh: Công nghệ vũ trụ cần được đặt ở vị trí tương đương với vi mạch bán dẫn và năng lượng hạt nhân – tức là nằm trong những trụ cột công nghệ chiến lược, có ý nghĩa sống còn với sự phát triển dài hạn của quốc gia.
Ông dẫn chứng, Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị cùng với Quyết định 131 của Thủ tướng Chính phủ đã xác định công nghệ vũ trụ là một trong những lĩnh vực công nghệ trọng điểm mà Nhà nước cần ưu tiên đầu tư phát triển. Đây là dấu hiệu cho thấy tư duy chiến lược của lãnh đạo Đảng và Nhà nước về việc đưa Việt Nam chủ động hơn trong không gian công nghệ số và bảo vệ chủ quyền quốc gia một cách toàn diện.
“Công nghệ vũ trụ không còn là lĩnh vực viễn tưởng hay xa vời. Trong bối cảnh xung đột và cạnh tranh toàn cầu ngày càng phức tạp, việc làm chủ không gian vũ trụ trở thành một phần không thể tách rời trong đảm bảo an ninh, quốc phòng, thông tin và quản trị quốc gia.”
![]() |
TS. Nguyễn Quân, nguyên Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ. Ảnh: Tiền Phong. |
Theo TS. Nguyễn Quân, các quốc gia lớn hiện nay đều không thể đạt được mục tiêu chiến lược nếu thiếu năng lực công nghệ vũ trụ. Việt Nam cũng không thể là ngoại lệ.
“Chúng ta không thể bảo vệ được chủ quyền lãnh thổ, không thể ứng phó thiên tai, bảo đảm an ninh thông tin hay phát triển nông nghiệp thông minh nếu không làm chủ được công nghệ vệ tinh viễn thám, định vị hay truyền thông độc lập. Công nghệ vũ trụ đã trở thành một thành tố không thể thiếu của an ninh quốc gia.”
Công nghệ lõi không ai cho không, phải chủ động sáng tạo
TS. Nguyễn Quân chỉ rõ, trong điều kiện nguồn lực còn hạn chế, Việt Nam cần xác định rõ phạm vi đầu tư, tránh dàn trải, tập trung vào các lĩnh vực khả thi và phù hợp như vệ tinh nhỏ, vệ tinh tầm thấp, hệ thống viễn thám, trạm mặt đất và đặc biệt là phát triển đội ngũ cán bộ khoa học chuyên sâu.
“Chính phủ cần giao Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì một chương trình quốc gia về công nghệ vũ trụ, với sự điều phối của Ủy ban Vũ trụ Việt Nam. Cần thành lập các dự án cụ thể, có người chịu trách nhiệm cao nhất gọi là tổng công trình sư – được trao quyền tự chủ, được miễn trừ trách nhiệm trong phạm vi rủi ro công nghệ, giống như cơ chế săn bốc của Nghị quyết 193".
Ông Quân cũng bày tỏ sự lạc quan trước tín hiệu mới: Chính phủ đang có ý định xây dựng mạng lưới vệ tinh tầm thấp với sự hỗ trợ từ Elon Musk. Theo ông, nếu tận dụng được cơ hội hợp tác quốc tế, đồng thời xây dựng được năng lực nội sinh, Việt Nam hoàn toàn có thể tạo bước nhảy vọt về công nghệ.
Đáng chú ý, ông Quân cho rằng công nghệ vũ trụ gắn với yếu tố an ninh – quốc phòng, nên không thể trông chờ hay kỳ vọng vào việc các quốc gia khác chuyển giao công nghệ cốt lõi. Do đó, Việt Nam cần mạnh dạn đầu tư, kể cả chấp nhận rủi ro thất bại.
“Đây là lĩnh vực cần tinh thần dấn thân. Nhà nước phải tạo cơ chế để các nhà khoa học được làm thật, nghiên cứu thật và thất bại cũng không bị kỳ thị. Chỉ khi đó, chúng ta mới xây được năng lực nội sinh để làm chủ công nghệ".
Đồng thời ông nhấn mạnh, cần có chính sách đặt hàng đào tạo, đặc biệt đối với cán bộ trẻ trong lĩnh vực công nghệ vũ trụ. Ông cho rằng, nếu chỉ trông vào cơ chế thị trường thì rất khó có được đội ngũ chuyên gia đủ sâu, vì đây là lĩnh vực khó, không mang lại lợi nhuận ngắn hạn.
“Chúng ta cần có chiến lược bồi dưỡng dài hơi, giống như thời bao cấp từng đào tạo ra nhiều nhà khoa học đầu ngành. Ngoài ra, cũng cần chính sách thu hút các nhà khoa học Việt Nam ở nước ngoài tham gia các dự án trong nước với vai trò chủ chốt", ông Quân nhận định.