Phát biểu tại Tọa đàm "Kinh tế tư nhân: Động lực vươn mình từ Nghị quyết 68”, TS. Nguyễn Quốc Việt, nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách, nêu mối băn khoăn: Làm sao để sau Nghị quyết 68, kinh tế tư nhân có thể thực sự cất cánh và trở thành động lực phát triển của đất nước? Theo ông, đây không chỉ là câu hỏi mang tính thực tiễn mà còn là một bài toán lý luận cần lời giải rõ ràng.

Ông Việt cho hay khu vực kinh tế tư nhân từ các doanh nghiệp lớn cho đến hộ kinh doanh cá thể muốn vươn lên cần có những động lực thực chất. Đó không chỉ là khẩu hiệu hay tinh thần khuyến khích, mà là những chính sách cụ thể, chạm đến tận gốc các rào cản đang tồn tại.

Công ty xe đạp Thống Nhất sản xuất xe đạp tiêu thụ thị trường trong nước và xuất khẩu. (Ảnh: Trần Việt/TTXVN)
TS Nguyễn Quốc Việt: “Cần nhìn lại dòng tín dụng xem có tạo ra sản xuất thực, tiêu dùng thực hay không?”

Chẳng hạn, chính sách đất đai, chính sách nông nghiệp, hay quyền tham gia của hộ kinh doanh cá thể vào các cụm công nghiệp nếu vẫn duy trì mô hình cụm công nghiệp kiểu cũ, sẽ rất khó tạo ra đột phá. Bởi lẽ, khoảng cách giữa các doanh nghiệp nhỏ và các "ông lớn" đã chiếm lĩnh những vị trí thuận lợi là quá lớn.

Báo cáo Kinh tế thường niên năm nay cũng cho thấy rõ điều đó: cần nhìn nhận lại vai trò của đất đai - một trong những yếu tố sống còn, dưới góc nhìn của khu vực tư nhân. Theo ông Việt, cần xem xét lại sự ưu tiên về thủ tục hành chính, kỹ thuật và nhất là những rào cản vô hình trong tiếp cận nguồn lực này.

Nguồn vốn cũng là một điểm nghẽn đáng lưu ý. Ông Việt chỉ ra: hiện có đến 20% tín dụng đổ vào bất động sản, một tỷ lệ tương đương cho tiêu dùng, trong khi gần như toàn bộ tín dụng phục vụ sản xuất lại thuộc về khu vực tư nhân. Câu hỏi đặt ra là: nếu tín dụng được xem là một trong những động lực tăng trưởng quan trọng, thì dòng chảy hiện tại liệu có thực sự hợp lý?

Ông nhấn mạnh: “Cần nhìn lại dòng tín dụng đó có tạo ra sản xuất thực, tiêu dùng thực hay không? Hay đang bị nghẽn ở cả đầu cung và đầu cầu"?

Theo ông, kết nối giữa tín dụng và nhu cầu thực tế của thị trường là điều còn thiếu và cần được tháo gỡ.

Nhìn ra khu vực, ông Việt nhận định: tăng trưởng của ASEAN hai năm gần đây chủ yếu nhờ vào đầu tư tư nhân và tiêu dùng tư nhân, đặc biệt sau đại dịch COVID-19. Trong khi đó, ở Việt Nam, mối liên kết giữa sản xuất, đầu tư và tiêu dùng vẫn còn lỏng lẻo, thiếu những cơ chế kết nối hiệu quả.

Thực tế cho thấy, việc doanh nghiệp tiếp cận vốn để đổi mới sản xuất vẫn rất khó khăn. Do đó, ông cho rằng cần sớm thiết lập các chuẩn mực và thể chế vững chắc, tạo điều kiện để sản phẩm của doanh nghiệp có thể “lên được kệ”, từ đó nối liền chuỗi giá trị từ sản xuất đến tiêu dùng.

Một thách thức không kém phần quan trọng khác được ông nhấn mạnh là ứng dụng khoa học công nghệ và trí tuệ nhân tạo (AI) yếu tố có thể ảnh hưởng đến hàng triệu lao động.

Theo ông, AI và công nghệ đang dần trở thành hạt nhân trong các mô hình sản xuất công nghiệp mới. Tuy nhiên, hiện chúng ta đang có nhiều nghị quyết (như Nghị quyết 57, 66, 68), nhưng việc thiếu tích hợp và thống nhất giữa các chính sách đang khiến bài toán năng suất và đổi mới công nghệ khó có lời giải.

Ông kết luận: “Trong hệ sinh thái tương lai, AI sẽ giữ vai trò trung tâm. Nhưng để làm được điều đó, chúng ta cần một chiến lược tổng thể, đồng bộ, chứ không thể tiếp tục đi theo kiểu phân mảnh như hiện nay".