Trường hợp đóng BHXH bắt buộc

- Tăng cường quyền lợi cho lao động nam có vợ sinh con: Luật BHXH đã nới rộng khoảng thời gian nghỉ thai sản của lao động nam lên 60 ngày kể từ khi vợ sinh con, thay vì 30 ngày như trước.

Trường hợp người lao động nghỉ nhiều lần thì ngày bắt đầu nghỉ việc của lần cuối cùng phải trong khoảng thời gian 60 ngày đầu kể từ ngày vợ sinh con và tổng thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản không quá thời gian quy định.

Số ngày nghỉ được giữ nguyên như cũ, cụ thể như sau:

  • 5 ngày làm việc khi vợ sinh thường.

  • 7 ngày làm việc khi vợ sinh con cần phẫu thuật hoặc sinh con dưới 32 tuần tuổi.

  • 10 ngày làm việc khi vợ sinh đôi. Lao động nam sẽ được nghỉ thêm 3 ngày (tức 13 ngày) cho mỗi con tính từ con thứ 3 trở đi trong trường hợp sinh ba trở lên.

  • 14 ngày làm việc khi vợ sinh đôi phải phẫu thuật. Trường hợp sinh 3 trở lên phải phẫu thuật thì được nghỉ thêm 3 ngày cho mỗi con tính từ con thứ 3 trở đi.

- Tăng thời gian nghỉ việc đi khám thai: Luật sửa đổi tăng gấp đôi thời gian nghỉ việc đi khám thai của lao động nữ tham gia BHXH bắt buộc lên hai ngày mỗi lần thay vì một ngày như hiện nay, không phân biệt vị trí địa lý hay tình trạng sức khỏe thai nhi. Trong khi trước đây quy định trường hợp đặc biệt mới được nghỉ hai ngày cho mỗi lần khám. Lao động nữ phá thai do bệnh lý hay ngoài ý muốn đều được hưởng chế độ thai sản, hiện hành chỉ áp dụng với trường hợp phá thai bệnh lý.

- Nâng tuần tuổi thai nhi để tính thời gian nghỉ cho lao động nữ khi con không may qua đời: Chính sách mới cũng nâng số tuần tuổi thai nhi để tính số ngày nghỉ cho lao động nữ trong trường hợp không may gặp vấn đề. Cụ thể, lao động nữ được nghỉ 40 ngày nếu thai từ 13 đến dưới 22 tuần tuổi; nghỉ 50 ngày nếu thai từ 22 tuần tuổi trở lên. Trong khi luật hiện hành quy định thời gian nghỉ như trên áp dụng với thai dưới 25 tuần tuổi.

- Phá thai cũng được hưởng chế độ thai sản: Các trường hợp người lao động nữ chấm dứt thai kỳ, bao gồm sảy thai, phá thai, thai chết trong tử cung, thai chết trong khi chuyển dạ, thai ngoài tử cung do người hành nghề khám bệnh, chữa bệnh thuộc cơ sở khám bệnh, chữa bệnh chỉ định đều được nghỉ và hưởng chế độ thai sản.

Cụ thể, thời gian nghỉ tối đa được quy định theo tuổi thai như sau: Thai dưới 5 tuần tuổi: nghỉ 10 ngày; Từ 5 đến dưới 13 tuần tuổi: nghỉ 20 ngày; Từ 13 đến dưới 22 tuần tuổi: nghỉ 40 ngày; Từ 22 tuần tuổi trở lên: nghỉ 50 ngày.

Điểm mới của Luật là mở rộng quyền lợi cho người lao động. Trước ngày 1/7, chỉ những trường hợp sảy thai, nạo, hút thai, thai chết lưu hoặc phá thai bệnh lý mới được giải quyết chế độ. Hơn nữa, thời gian nghỉ như trên chỉ áp dụng với thai trên 25 tuần tuổi.

Nhưng theo Luật mới, tất cả các trường hợp phải can thiệp y tế để chấm dứt thai kỳ đều được hưởng chế độ thai sản, không phân biệt nguyên nhân. Đây là thay đổi mang tính nhân văn, nhằm hỗ trợ người lao động nữ khi gặp biến cố thai sản.

Từ nay, nam giới đóng BHXH bắt buộc được nghỉ thai sản trong vòng 60 ngày tính từ khi vợ sinh
Ảnh minh họa - Nguồn: Internet

- Bổ sung nhiều nhóm được hưởng chế độ thai sản: Luật sửa đổi bổ sung nhiều nhóm vào diện đóng BHXH bắt buộc và người lao động được thụ hưởng chế độ thai sản. Trong đó có lao động làm việc theo hợp đồng thời hạn từ đủ một tháng trở lên, kể cả trường hợp hai bên thỏa thuận bằng tên gọi khác nhưng có nội dung thể hiện việc làm trả công, tiền lương và quản lý, điều hành, giám sát của một bên.

- Hỗ trợ điều trị vô sinh trước khi sinh con: Một điểm mới đáng chú ý là việc bổ sung điều kiện hưởng chế độ thai sản đối với lao động nữ sinh con mà trước đó phải nghỉ việc để điều trị vô sinh. Lao động nữ chỉ cần đóng BHXH bắt buộc từ đủ 06 tháng trở lên trong thời gian 24 tháng liền kề trước khi sinh con là đủ điều kiện hưởng chế độ này. Quy định này thể hiện sự thấu hiểu và hỗ trợ quá trình gian nan để có con của nhiều gia đình.

- Thời gian nghỉ thai sản được tính là thời gian đóng BHXH: Đây là một quy định rất quan trọng. Đối với trường hợp lao động nữ sinh con, người lao động nhận nuôi con nuôi dưới 6 tháng tuổi, lao động nữ mang thai hộ khi sinh con và lao động nữ nhờ mang thai hộ, thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản sẽ được tính là thời gian đóng BHXH bắt buộc mà NLĐ và người sử dụng lao động không phải đóng BHXH. Đối với các trường hợp hưởng chế độ thai sản khác mà có thời gian nghỉ việc từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng, thời gian này cũng được tính là thời gian đóng BHXH bắt buộc mà không phải đóng BHXH. Điều này đảm bảo quyền lợi liên tục về BHXH cho người lao động.

- Hỗ trợ BHYT trong thời gian thai sản: Người lao động sẽ được Quỹ BHXH đóng BHYT trong thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng, giảm gánh nặng chi phí y tế cho gia đình.

Trường hợp đóng BHXH tự nguyện

Một trong những điểm đột phá nhất của Luật BHXH 2024 là việc bổ sung chế độ thai sản vào chính sách BHXH tự nguyện.

Theo đó, người lao động tham gia BHXH tự nguyện (bao gồm cả lao động nữ và lao động nam) khi sinh con hoặc có vợ sinh con, nếu đáp ứng đủ điều kiện (đóng BHXH từ đủ 6 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con) thì được hưởng trợ cấp bằng 2 triệu đồng cho mỗi con được sinh ra và mỗi thai từ 22 tuần tuổi trở lên chết trong tử cung, thai chết trong khi chuyển dạ.

Kinh phí thực hiện trợ cấp này sẽ do Ngân sách nhà nước bảo đảm và Chính phủ sẽ quyết định điều chỉnh mức trợ cấp thai sản phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội và khả năng của Ngân sách nhà nước từng thời kỳ.

Đặc biệt, lao động nữ là người dân tộc thiểu số hoặc lao động nữ là người dân tộc Kinh có chồng là người dân tộc thiểu số thuộc hộ nghèo khi sinh con, ngoài trợ cấp thai sản nêu trên, còn được hưởng chính sách hỗ trợ khác theo quy định của Chính phủ, thể hiện sự quan tâm đặc biệt đến các đối tượng dễ bị tổn thương.

Trường hợp chỉ có mẹ đóng BHXH mà không may qua đời sau sinh thì cha hoặc người trực tiếp nuôi dưỡng được hưởng khoản này. Nếu cha và mẹ cùng đóng BHXH thì chỉ một trong hai người được hưởng trợ cấp thai sản.

Trường hợp lao động vừa đủ điều kiện hưởng trợ cấp thai sản thuộc khu vực tự nguyện vừa đủ điều kiện hưởng chế độ thai sản của BHXH bắt buộc thì được hưởng trong khu vực bắt buộc.

Nếu mẹ đủ điều kiện hưởng chế độ thai sản BHXH bắt buộc và cha đủ điều kiện hưởng trợ cấp thai sản BHXH tự nguyện thì ai tham gia khu vực nào hưởng chính sách của khu vực đó và ngược lại.