Tăng trưởng GDP quý II sẽ tiếp tục khả quan

Theo Báo cáo kinh tế - xã hội quý I/2024 của Tổng cục Thống kê, tổng sản phẩm trong nước (GDP) trong quý I/2024 tăng 5,66% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn tốc độ tăng quý của các năm trong giai đoạn 2020 -2023. Thậm chí, con số này còn vượt mức mục tiêu trong kịch bản tăng trưởng trong Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 5/1/2024 (5,2 - 5,6%).

“Từ quý II, tăng trưởng kinh tế sẽ mất nhiều thời gian hơn để phục hồi”

Tăng trưởng GDP quý II sẽ tiếp tục khả quan.

Đây là kết quả tương đối tích cực, cho thấy nền kinh tế Việt Nam đang dần có sự phục hồi mạnh mẽ ngay cả trong bối cảnh kinh tế thế giới còn nhiều bất ổn; khẳng định chính sách quản lý và điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, ngành và địa phương từng bước phát huy hiệu quả.

Bà Lê Thị Hương Trà, chuyên gia Viện NCKH Ngân hàng, Học viện Ngân hàng nhìn nhận, có được kết quả tăng trưởng kinh tế khả quan trong những tháng đầu năm chủ yếu là nhờ nhiều yếu tố hỗ trợ. Trong đó phải kể đến một số yếu tố điển hình sau:

Đầu tiên phải kể đến việc kiểm soát tốt lạm phát, đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế, giúp ổn định đầu tư, sản xuất kinh doanh, tiêu dùng và tạo dư địa để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Cùng với đó, chú trọng thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, thu hút vốn FDI quý I/2024 đạt khá, trong đó vốn FDI thực hiện đạt mức kỷ lục.

Bên cạnh đó, cầu tiêu dùng duy trì khá, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng quý I tăng trên 8%, du lịch tăng trưởng mạnh, cao hơn 72% so với cùng kỳ năm trước, tạo động lực lan tỏa tới tăng trưởng của nhiều ngành dịch vụ thị trường khác.

Ngoài ra, chính sách giảm thuế VAT của Chính phủ tiếp tục được duy trì, cùng các chính sách như giảm lãi suất, giảm thuế thu nhập cá nhân, tăng cho vay tiêu dùng; đồng thời giãn, khoanh nợ và tăng hỗ trợ an sinh xã hội,…

Dẫu vậy, trong các tháng còn lại của năm nay, theo bà Trà, nền kinh tế sẽ phải đối mặt với nhiều “cơn gió ngược”. Cụ thể, đó là động lực tăng trưởng đến từ doanh nghiệp và người dân vẫn còn khá yếu, cùng với đó là những thay đổi sắp tới trong chính sách lãi suất tại Mỹ, EU và áp lực giảm phát tại Trung Quốc.

“Lạm phát trong những tháng tiếp theo có thể sẽ tiếp tục tăng do ảnh hưởng của xu hướng tăng của giá một số mặt hàng như xăng, điện và thịt heo, do đó áp lực lạm phát sẽ tăng cao và có thể ảnh hưởng đến xu hướng chính sách tiền tệ – vốn đang duy trì trạng thái nới lỏng để hỗ trợ nền kinh tế”, bà Trà cho biết.

Tuy nhiên, bà Trà cũng khẳng định, nhìn chung, kịch bản tăng trưởng cho các quý tiếp theo cho thấy kinh tế sẽ vẫn đi theo xu hướng phục hồi, chỉ là quá trình phục hồi này sẽ mất nhiều thời gian hơn.

“Tăng trưởng GDP quý II sẽ tiếp tục khả quan, giúp GDP nửa đầu năm 2024 tăng 5,8 - 6,2% và cả năm 2024 có thể tăng 6-6,5% theo kịch bản cơ sở do Quốc hội và Chính phủ đề ra”, bà Trà nhận định.

Chính sách tài khóa - yếu tố then chốt cho tăng trưởng kinh tế

Trong bối cảnh kinh tế trong nước và thế giới còn những khó khăn, bất định khó lường, hiện tượng thời tiết cực đoan đang diễn ra,…khiến tăng trưởng chậm lại. Để có thể duy trì đà phục hồi tăng trưởng như quý I cho những quý còn lại của năm, nhiều chuyên gia cho rằng, chính sách tài khoá sẽ tiếp tục là động lực, là yếu tố then chốt cho tăng trưởng kinh tế.

“Từ quý II, tăng trưởng kinh tế sẽ mất nhiều thời gian hơn để phục hồi”

Chính sách tài khóa - yếu tố then chốt cho tăng trưởng kinh tế.

Ông Shantanu Chakraborty, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam cho rằng, trong bối cảnh không gian chính sách tiền tệ hạn chế, chi tiêu tài khóa và đầu tư sẽ là chìa khóa cho tăng trưởng trong năm 2024. Vị thế tài khóa thuận lợi, thâm hụt ngân sách không đáng kể và tỉ lệ nợ công trên GDP thấp mang lại đủ không gian tài khóa để hỗ trợ tăng trưởng.

Theo chuyên gia ADB, chương trình giảm thuế GTGT được triển khai tới tháng 6/2024 và có thể được kéo dài tới cuối năm 2024. Cùng với đó, một lượng lớn vốn đầu tư công, tương đương 27,3 tỷ USD đã được lên kế hoạch giải ngân trong năm nay. Cùng với số vốn giải ngân trong năm 2023, khoản đầu tư công bổ sung này sẽ thúc đẩy tăng trưởng đáng kể.

“Các biện pháp tài khóa hỗ trợ tăng trưởng và đầu tư công cuối cùng sẽ trở thành những giải pháp chính sách then chốt để kích thích tăng trưởng. Năm 2024, đầu tư công sẽ tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ nền kinh tế. Sau khi Quốc hội phê duyệt ngân sách, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt kế hoạch phân bổ 688,5 nghìn tỷ đồng để tiếp tục xây dựng cơ sở hạ tầng và thúc đẩy phát triển kinh tế.
Chính phủ đã thực hiện nhiều biện pháp chính sách khác nhau để đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công và nâng cao hiệu quả thực thi. Bằng cách chủ động khắc phục những trở ngại một cách toàn diện trong suốt chu trình dự án, Việt Nam có thể phát huy tối đa tiềm năng của các sáng kiến đầu tư công, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và phát triển bền vững”, ông Shantanu Chakraborty chia sẻ.

Cũng nhấn mạnh về chính sách tài khóa, GS.TS Andreas Stoffers, Giám đốc Quốc gia Viện Friedrich Naumann Foundation for Freedom (FNF) cho rằng, Việt Nam nên tiếp tục duy trì chính sách cân đối ngân sách. Đầu tư của Chính phủ chủ yếu nên được hướng vào việc thúc đẩy cơ sở hạ tầng, đào tạo nguồn nhân lực cần thiết cho cách mạng công nghiệp 4.0 và cải thiện điều kiện đầu tư như hiện nay Việt Nam đang thực hiện.

“Chính sách tài khóa của Chính phủ chỉ nên dừng ở mức là “lá chắn” bảo vệ nền kinh tế và đầu tư vào những lĩnh vực mà nền kinh tế còn thiếu do tính chất ngắn hạn. Đồng thời cũng nên mở rộng và khuyến khích kinh tế tư nhân cả từ trong và ngoài nước”, GS.TS Andreas Stoffers cho hay.

Bên cạnh đó, về chính sách tiền tệ, vị chuyên gia này đề xuất chính sách kinh tế thị trường cân bằng hơn nữa. Việt Nam có thể và phải đặt ra các ưu tiên, chẳng hạn như lĩnh vực số hóa, nhưng đồng thời cũng theo đuổi chính sách tiền tệ thận trọng, không có nợ lớn và không có chính sách lãi suất 0%.

Ngoài ra, cần tiếp tục nỗ lực đơn giản hóa đáng kể các thủ tục hành chính. Cần phải nỗ lực nâng cao hệ thống giáo dục để cung cấp đủ nguồn nhân lực được đào tạo thực tế cho nền kinh tế đang lớn mạnh. Việt Nam phải có khả năng đương đầu với những thách thức của nền kinh tế số.