Chiều 14/4, tại trụ sở Trung ương Đảng, sau hội đàm cấp cao, Tổng Bí thư Tô Lâm và Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình đã cùng xem và nghe giới thiệu về 45 văn bản thỏa thuận hợp tác trên nhiều lĩnh vực được ký kết giữa các ban, Bộ, ngành, địa phương hai nước, thể hiện thành quả phong phú, toàn diện mà hai bên đạt được trong chuyến thăm lần này.
![]() |
Ảnh minh họa |
Trong lĩnh vực đường sắt, Bộ trưởng Trần Hồng Minh đã ký 4 văn kiện, bao gồm: Bản ghi nhớ giữa Bộ Xây dựng và Ủy ban Phát triển và Cải cách quốc gia Trung Quốc về việc thành lập Ủy ban liên hợp Hợp tác đường sắt Việt - Trung nhằm đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án; Biên bản làm việc giữa Bộ Xây dựng và Tổng cục Hợp tác phát triển quốc tế Trung Quốc (CIDCA) về khảo sát thực địa, hỗ trợ kỹ thuật lập báo cáo nghiên cứu khả thi cho dự án đầu tư xây dựng tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng của Việt Nam.
Cùng với đó là Công thư trao đổi về việc Trung Quốc hỗ trợ kỹ thuật lập quy hoạch tuyến đường sắt khổ tiêu chuẩn Đồng Đăng - Hà Nội, Móng Cái - Hạ Long - Hải Phòng; và Công thư trao đổi về việc Trung Quốc hỗ trợ kỹ thuật lập Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường sắt khổ tiêu chuẩn Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng.
Các văn kiện về đường sắt này có vai trò to lớn, góp phần đẩy nhanh tiến độ chuẩn bị các dự án đường sắt kết nối Việt Nam - Trung Quốc, một nội dung được các lãnh đạo Đảng, Chính phủ hai nước hết sức quan tâm trong thời gian qua.
Dịp này, Bộ Xây dựng tích cực thúc đẩy phía Trung Quốc thống nhất, hoàn tất thủ tục và ký kết Công thư trao đổi về việc Trung Quốc hỗ trợ kỹ thuật lập Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường sắt khổ tiêu chuẩn Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng. Đây là văn kiện có ý nghĩa rất quan trọng, tạo cơ sở để các cơ quan liên quan của hai nước cùng phối hợp thúc đẩy các thủ tục nội bộ nhằm sớm khởi công dự án.
Khởi công dự án đường sắt hơn 200.000 tỷ đồng vào tháng 12/2025
Tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng sẽ kết nối trực tiếp với khu vực Tây Nam Trung Quốc, nơi có quy mô dân số trên 500 triệu người và đang phát triển mạnh, từ đó mở rộng liên kết với mạng lưới đường sắt Á - Âu. Dự án được kỳ vọng sẽ thúc đẩy phát triển đô thị, thương mại, du lịch; giảm áp lực giao thông đường bộ; tiết kiệm chi phí logistics; góp phần bảo vệ môi trường và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế xanh, bền vững.
Tổng chiều dài tuyến chính gần 391km, gồm 3 tuyến nhánh dài khoảng 27,9km. Tổng mức đầu tư toàn tuyến là 203.231 tỷ đồng, trong đó chi phí bồi thường, hỗ trợ tái định cư chiếm 35.751 tỷ đồng. Dự án dự kiến xây dựng 18 nhà ga (gồm 3 ga lập tàu và 15 ga hỗn hợp) cùng 13 trạm tác nghiệp kỹ thuật.
Dự án sẽ được khởi công vào tháng 12/2025, theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Thông báo số 157/TB-VPCP ngày 5/4/2025.