UBND tỉnh Phú Yên vừa có Quyết định số 825 ngày 3/7/2023 phê duyệt chủ trương lập Đồ án quy hoạch phân khu xây dựng tỷ lệ 1/2.000 Khu công nghiệp Hòa Tâm thuộc Khu kinh tế Nam Phú Yên.

Khu công nghiệp Hòa Tâm có diện tích 1.080ha, gắn liền với sự hình thành và phát triển Cảng Bãi Gốc, nằm trên quốc lộ 29 thuộc địa bàn xã Hòa Tâm, thị xã Đông Hòa, tỉnh Phú Yên. Cách trung tâm thành phố Tuy Hòa 24km, cách Cảng Vũng Rô 15km, cách Sân bay Tuy Hòa 17km.

Vì sao khu kinh tế Nam Phú Yên thành công thu hút nhiều khu công nghiệp mới?

Trước khu công nghiệp Hòa Tâm, đã có rất nhiều khu công nghiệp, dịch vụ chọn khu kinh tế Nam Phú Yên trở thành nơi chọn mặt gửi vàng vì nơi đây sở hữu nhiều lợi thế vượt trội.

Khu kinh tế Nam Phú Yên được kỳ vọng là khu kinh tế biển tổng hợp, đa ngành, với trọng tâm là công nghiệp công nghệ cao, các ngành công nghiệp gắn với cảng biển. Đồng thời, đây sẽ là trung tâm công nghiệp, dịch vụ, du lịch cấp quốc gia và khu vực.

Khu kinh tế Nam Phú Yên có 6 phân khu chức năng

Theo thông tin từ UBND tỉnh Phú Yên, Bộ Xây dựng đã tổ chức thẩm định Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng khu kinh tế Nam Phú Yên đến năm 2040.

Theo đó, khu kinh tế Nam Phú Yên có phạm vi điều chỉnh quy hoạch khoảng 20.730ha, phía Bắc giáp sông Đà Rằng, phía Nam giáp huyện Vạn Ninh (tỉnh Khánh Hòa), phía Đông giáp biển Đông và phía Tây giáp hành lang cao tốc Bắc – Nam.

Theo đồ án, đến năm 2040, khu kinh tế Nam Phú Yên sẽ phát triển theo hướng khu kinh tế biển tổng hợp, đa ngành, đa năng với trọng tâm là công nghiệp công nghệ cao, các ngành công nghiệp gắn với cảng biển; trung tâm công nghiệp, dịch vụ và du lịch cấp quốc gia và khu vực.

Đây sẽ là điểm bứt phá về kinh tế - xã hội trong khu vực Nam Trung Bộ, tạo sự liên kết phát triển giữa các tỉnh vùng Duyên hải Nam Trung Bộ và Tây Nguyên, các vùng trong cả nước và hội nhập quốc tế.

Vì sao khu kinh tế Nam Phú Yên thành công thu hút nhiều khu công nghiệp mới?

Theo quy hoạch, khu kinh tế Nam Phú Yên được chia thành 6 phân khu chức năng. Trong đó, phân khu 1 là khu vực phát triển đô thị phía Bắc sân bay Tuy Hòa, định hướng phát triển khu đô thị sân bay và hình thành quỹ đất hậu cần sân bay, phát triển du lịch sinh thái ven sông Ba.

Phân khu 2 là khu vực phát triển đô thị du lịch - dịch vụ ven biển, định hướng phát triển quỹ đất thương mại dịch vụ du lịch hỗn hợp khu vực ven biển. Phân khu 3 là khu vực phát triển đô thị Hòa Vinh, định hướng hình thành đô thị nén, tập trung tại khu vực lõi Hòa Vinh; khu vực phía Đông - Bắc phát triển công nghiệp đảm bảo sự phát triển hiệu quả, bền vững.

Phân khu 4 là khu vực phát triển du lịch - dịch vụ ven sông Bàn Thạch; định hướng phát triển mô hình dịch vụ du lịch sinh thái bán ngập, kết hợp nông nghiệp thủy sản công nghệ cao tại hạ lưu sông Bàn Thạch; phát triển mô hình khu du lịch sinh thái ven sông, trang trại nhà vườn sinh thái.

Phân khu 5 là khu vực phát triển công nghiệp tập trung, định hướng phát triển công nghiệp công nghệ cao, đa ngành.

Phân khu 6 là khu vực phát triển phía Nam, định hướng hình thành tam giác phát triển du lịch đa dạng, chất lượng cao.

Lợi thế về hạ tầng

Theo Ban quản lý khu kinh tế Phú Yên, cơ sở hạ tầng khung giao thông trong khu kinh tế Nam Phú Yên là một thế mạnh bản lề của khu kinh tế này.

Theo đó, khu kinh tế có cơ sở hạ tầng kỹ thuật quan trọng như: Cảng hàng không, đường cao tốc Quốc gia, hầm Đèo Cả, đường sắt Bắc Nam, cảng Vũng Rô, cảng Bãi Gốc, tuyến đường hành lang kinh tế ven biển...; liên kết khu kinh tế Nam Phú Yên với các vùng kinh tế cả nước và quốc tế.

Đặc biệt là mối quan hệ trực tiếp với các tỉnh trong khu vực Nam Trung Bộ qua hệ thống Quốc lộ 1A, đường sắt Quốc gia. Ngoài ra, khu kinh tế này còn kết nối với các tỉnh thuộc Tây Nguyên qua Quốc lộ 25 nối với Gia Lai, Quốc lộ 29 nối với Đắk Lắk.

Vì sao khu kinh tế Nam Phú Yên thành công thu hút nhiều khu công nghiệp mới?

Bên cạnh hệ thống đường bộ, đường sắt quốc gia, khu kinh tế Nam Phú Yên còn có sân bay Tuy Hoà. Khu vực Nam Phú Yên (khu kinh tế Nam Phú Yên) sẽ nối kết với Bắc Khánh Hòa (khu kinh tế Vân Phong), hỗ trợ cho nhau trên cơ sở hình thành cụm cảng Vân Phong - Vũng Rô, đây chính là một trong những khu vực cửa ngõ chính ra biển Đông của vùng Tây Nguyên.

Mặc dù đã được UBND tỉnh Phú Yên quan tâm chỉ đạo; các sở, ngành và địa phương liên quan đã rất cố gắng nhưng nhìn chung công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng còn chậm, chưa đáp ứng kịp nhu cầu mặt bằng cho các dự án dẫn đến các dự án chậm tiến độ, ảnh hưởng lớn đến việc thu hút đầu tư.

Trong thời gian tới, UBND tỉnh và Ban Quản lý khu kinh tế tập trung xây dựng và phát triển khu kinh tế Nam Phú Yên trở thành một trong những trung tâm công nghiệp, cảng biển quan trọng của Duyên hải Nam Trung bộ và Tây Nguyên; kết hợp với khu kinh tế Vân Phong tạo thành Vùng kinh tế Nam Phú Yên - Bắc Khánh Hòa với quy mô lớn, sức hấp dẫn cao, trở thành động lực thu hút đầu tư của tỉnh.