Kể từ khi mua lại hệ thống Vinmart và Vinmart+, Masan đã thực hiện tái cấu trúc hệ thống bán lẻ lớn nhất Việt Nam với kết quả tích cực khi loại bỏ 700 điểm bán không có lãi trong năm 2020, thay đổi mô hình logistic và đạt điểm hòa vốn cho hệ thống này.

Trong năm 2021, hệ thống tiếp tục được mở rộng với mục tiêu đạt hơn 3.000 điểm bán, với việc mở mới 300 - 500 cửa hàng VinMart+. Các cửa hàng mới dự kiến ​​sẽ đạt EBITDA (lợi nhuận trước khấu hao, thuế và lãi vay) hòa vốn trong 6 - 12 tháng nhờ vào: Mô hình chuỗi cung ứng được cải tiến hiệu quả hơn, biên lợi nhuận thương mại tăng và danh mục sản phẩm phù hợp thị hiếu giúp thúc đẩy lưu lượng khách đến cửa hàng.

Trong nửa đầu năm, Masan giới thiệu mô hình Kiosk Phúc Long trong VinMart+ góp phần gia tăng lưu lượng khách và lợi nhuận của VinMart+.

1546-vnj
Ảnh minh họa (nguồn internet)

Tính đến cuối tháng 6/2021, có 50 cửa hàng VinMart+ thí điểm kiosk Phúc Long đã đi vào hoạt động. Mỗi ngày, mô hình này dự kiến đóng góp thêm 5 triệu đồng doanh thu cho mỗi cửa hàng.

Theo thỏa thuận, kiosk Phúc Long sẽ chia sẻ 20% doanh thu với VCM - tương đương với 1 triệu đồng/ngày. Ban Điều hành đặt mục tiêu, đến cuối năm 2021 sẽ có 1.100 cửa hàng VinMart+ tích hợp mô hình kiosk Phúc Long.

Với mức đóng góp doanh thu trên, biên EBITDA của cửa hàng VinMart+ tích hợp kiosk Phúc Long dự kiến sẽ gia tăng 4% đồng thời Masan cũng mở ra kênh bán hàng online với việc hợp tác với Lazada để thúc đẩy nhu yếu phẩm trở thành mặt hàng được mua sắm với tần suất hàng ngày trên kênh online.

VinMart đã thí điểm dịch vụ giao hàng nhanh trong vòng 4 tiếng từ 14 siêu thị VinMart tại TP. HCM và Hà Nội, áp dụng cho danh mục gần 2.000 sản phẩm, trong đó nổi bật là các mặt hàng tươi sống. Kết quả bước đầu của đợt thí điểm đã mang lại những kết quả vô cùng khả quan.

Sau khi được thành lập, nhiệm vụ của CrownX là làm sao ghép nối được hai mảnh ghép MCH và VCM. Bài toán ở đây không chỉ là để hai thực thể này ăn khớp với nhau mà quan trọng hơn là tạo được sức cộng hưởng, giúp cả hai tăng trưởng mạnh mẽ, quan trọng hơn là tạo ra những giá trị thiết thực phục vụ nhu cầu của người tiêu dùng.

Mục tiêu của Tập đoàn trong 5 năm tới cùng với The CrownX là thúc đẩy sự đổi mới thị trường bán lẻ hàng tiêu dùng Việt Nam thông qua việc phát triển một hệ sinh thái tiêu dùng không chỉ đáp ứng các nhu cầu cơ bản hằng ngày, mà còn cung cấp trải nghiệm khách hàng tốt nhất, dựa trên mô hình vận hành sáng tạo và việc áp dụng các công nghệ tiên tiến.

Đến thời điểm này, có lẽ không ai có thể phủ nhận vị thế của Masan Group trong lĩnh vực hàng tiêu dùng nội địa, thành quả có được từ hơn hai chục năm nghiên cứu phát triển cùng vai trò không thể thiếu của chiến lược M&A những thương hiệu lớn xuyên suốt.

Lần lượt những Vinacafe Biên Hòa, nước khoáng Vĩnh Hảo, Quang Hanh… về cùng một nhà, giúp hoàn thiện hệ sinh thái sản phẩm tiêu dùng của Tập đoàn. Các lĩnh vực khác như khai khoáng, thức ăn chăn nuôi, với nền tảng cũng đến từ các thương vụ M&A, cũng đang xây dựng cho mình một con đường riêng với tầm nhìn dài hạn. Gần đây nhất, Masan Group mua 52% Công ty Netco, mở rộng danh mục sang các sản phẩm chăm sóc cá nhân và gia đình.

Ðặc điểm chung của những thương vụ đầu tư nói trên đều là mở rộng năng lực sản xuất của Masan Group trên chặng đường để trở thành nhà sản xuất hàng tiêu dùng vị thế số 1, điều giúp công ty có thể cạnh tranh thành công trong khu vực tư nhân quy mô nhỏ, phân tán và các nhà sản xuất đa quốc gia…

Nhưng cuối năm ngoái, Masan Group thực hiện một thương vụ đầu tư theo cách rất khác: nhận chuyển nhượng cổ phần VCM từ Tập đoàn Vingroup (đơn vị đang sở hữu hệ thống bán lẻ có thương hiệu lớn nhất cả nước VinMart, VinMart+).

Ðiểm khác biệt ở đây là việc Masan Group không còn mua lại một công ty sản xuất như thường lệ, mà mua lại hệ thống phân phối quy mô lớn và trực tiếp bắt tay vào vận hành, điều xưa nay không nằm trong thế mạnh của tập đoàn.

Giới đầu tư đặt nhiều dấu hỏi về việc hệ thống VinMart, VinMart+ vẫn luôn lỗ trong nhiều năm nay, một hệ thống cồng kềnh với chi phí phải trả cho việc thuê mặt bằng lớn, hay việc sử dụng đòn bẩy nợ vay cao có thể tác động tiêu cực đến sức khỏe tài chính của Masan Group.

Ðiều này hoàn toàn có lý của nó, sáp nhập thêm VCM giúp tổng tài sản của Masan Group lập tức tăng gấp rưỡi lên 97.300 tỷ đồng nhưng nợ phải trả cũng tăng mức tương tự.

Với thương vụ tại The CrownX, Masan đang thể hiện mong muốn nắm giữ thị trường bán lẻ trên cả phương diện truyền thống và hiện đại.

Tham vọng này vừa tiến thêm một bước dài với sự xuất hiện của Alibaba. Cách tập đoàn của tỷ phú Jack Ma phát triển trở thành một nền tảng thương mại điện tử, tài chính và thanh toán lớn nhất Trung Quốc có thể là một mô hình mà Masan hướng tới khi mà thị trường bán lẻ Việt Nam đang ở giai đoạn sơ khai, giống như Trung Quốc trước khi bùng nổ.

Tại phiên họp thường niên năm 2021, ông Trương Công Thắng, CEO The CrownX nói rằng, nền tảng này sẽ là nơi hệ thống bán lẻ (VinCommerce), hàng tiêu dùng nhanh - FMCG (MCH), thịt có thương hiệu (Masan MEATLife) và dịch vụ tài chính (Techcombank) liên kết, hợp lực để tạo thành nền tảng kinh doanh thống nhất.

Nền tảng này không chỉ có điểm bán hiện hữu (offline) mà còn tích hợp với điểm bán trực tuyến (online). Trọng tâm của Masan là nhu yếu phẩm, coi đây là mảng cốt lõi để gia tăng khả năng tiếp cận khách hàng. Từ đó, họ có thể mở rộng phục vụ các nhu cầu thiết yếu khác như: tài chính, giáo dục, xã hội, giải trí và chăm sóc sức khỏe... "The CrownX được coi là chương đầu tiên", ông Thắng nói.

Thực tế, dù có sự xuất hiện của nhiều "đại gia" lớn, thị trường bán lẻ Việt Nam vẫn còn tương đối sơ khai và phân mảnh. Số liệu từ Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho biết, kênh thương mại truyền thống vẫn chiếm tới 90% toàn ngành bán lẻ. Kênh bán hiện đại chỉ khoảng 8%, đa phần ở thành thị. Để so sánh, tỷ trọng của hệ thống bán lẻ hiện đại ở Thái Lan là 34%, Malaysia 60% còn Singapore đến 90%.

Phần lớn người tiêu dùng Việt hiện nay vẫn mua nhu yếu phẩm hàng ngày tại các chợ truyền thống và cửa hàng nhỏ lẻ, những cửa hàng này nằm trong số hơn 8.700 chợ và 1,4 triệu cửa hàng tạp hóa trải rộng khắp Việt Nam.

Thương mại điện tử, vốn được kỳ vọng thay đổi thói quen tiêu dùng tại Việt Nam, chỉ chiếm khoảng 2% thị phần. Đa số hàng hóa được đặt mua qua mạng không thiết yếu. Ngược lại với thực trạng ở Mỹ và Trung Quốc, khi thương mại điện tử dần dẫn dắt thị trường bán lẻ.

Nói cách khác, thị trường bán lẻ hiện tại của Việt Nam vẫn phụ thuộc chủ yếu vào những "chợ cóc" và cửa hàng nhỏ lẻ, giống như Trung Quốc trước khi có Alibaba. Một thị trường tiềm năng còn bỏ ngỏ sẽ là đích đến cho một chiến lược dài hơi mà Masan đang theo đuổi trong đó việc mua lại chuỗi Vinmart giúp Masan tiến một bước trên con đường này, là sở hữu các điểm bán hiện hữu (offline).

Với thương vụ mới ký kết, ngoài con số 400 triệu USD, Alibaba đã đưa cho Masan "mảnh ghép" còn thiếu. The CrownX sẽ hợp tác với Lazada - nền tảng thương mại điện tử tại Đông Nam Á của Alibaba - để phát triển thị trường bán lẻ online tại Việt Nam trong đó VinCommerce đặt mục tiêu trở thành nhà bán lẻ nhu yếu phẩm hàng đầu trên nền tảng thương mại điện tử này.

Hai bên cho biết sẽ chia sẻ hiểu biết và kinh nghiệm. Ngoài ra, việc hợp tác cũng phát triển tính năng cung ứng hàng hóa cho các đơn hàng online tại các điểm bán offline (hệ thống Vinmart), phát huy sức mạnh từ nền tảng cung ứng và giao vận để tối ưu và tiết kiệm chi phí.

Tuy nhiên, thương vụ hợp tác có lẽ cũng không chỉ dừng lại ở Lazada. Nếu nhìn lại lịch sử phát triển tập đoàn của tỷ phú Jack Ma, "lá bài" chiến lược không chỉ có thương mại điện tử, mà còn là thanh toán và dịch vụ tài chính. Tài chính và thanh toán, cũng là một trong những trụ cột được Masan nhắc đến trong tham vọng "Point of Life" và chính mảng này sẽ đóng vai trò kết nối để tạo ra một nền tảng thống nhất.

Chơi VOS: Cẩn thận "chìm thuyền"!

Nếu như trong năm 2020, giá cổ phiếu VOS của của CTCP Vận tải Biển Việt Nam (HOSE: VOS) chỉ giao dịch lình xình ở ...

VCSC: Thoái vốn Nhà nước có thể bào mòn lợi nhuận của VEAM

Việc thay đổi cổ đông kiểm soát của VEAM có thể dẫn đến rủi ro về việc ngừng liên doanh với Honda, Toyota và Ford ...

VN-Index hồi phục nhẹ, cổ phiếu chứng khoán tăng mạnh đầu phiên

Sau khi bị bán mạnh ở cuối phiên trước, giao dịch trên thị trường diễn ra có phần tích cực hơn ở đầu phiên 1/7 ...