Theo thống kê sơ bộ từ Tổng cục Hải quan, trong tháng 4/2025, Việt Nam xuất khẩu hơn 391.000 tấn sắn và các sản phẩm từ sắn, đạt giá trị hơn 112 triệu USD. Dù so với tháng trước đó giảm gần 20% cả về lượng và giá trị, nhưng tính chung trong 4 tháng đầu năm, ngành hàng này vẫn đạt hơn 1,6 triệu tấn xuất khẩu, thu về hơn 485 triệu USD, tăng 42,3% về lượng so với cùng kỳ năm 2024.

Trung Quốc tiếp tục giữ vai trò chủ lực trong bức tranh xuất khẩu sắn của Việt Nam. Chỉ riêng thị trường này đã tiêu thụ hơn 1,53 triệu tấn sắn, tương đương 454 triệu USD, chiếm gần 90% tổng lượng xuất khẩu. Đây cũng là quốc gia tiêu thụ sắn nhiều nhất thế giới, chủ yếu dùng cho sản xuất ethanol và thức ăn chăn nuôi.

Sở dĩ Trung Quốc đẩy mạnh nhập khẩu sắn là do nguồn cung ngô từ Nam Mỹ gặp khó khăn vì thời tiết, trong khi ngành chăn nuôi lợn tại nước này đang phục hồi mạnh mẽ sau đợt bùng phát dịch tả lợn châu Phi. Tình thế đó khiến sắn lát và tinh bột sắn trở thành nguồn thay thế quan trọng cho ngô trong sản xuất thức ăn chăn nuôi.

Việt Nam - Thái Lan cạnh tranh quyết liệt giành thị phần một mặt hàng nông sản tại thị trường Trung Quốc
Trung Quốc hiện là nhà nhập khẩu sắn lớn nhất của Việt Nam. Ảnh minh họa

Dù khối lượng xuất khẩu tăng trưởng tốt, nhưng giá trị lại giảm nhẹ 4,8% so với cùng kỳ. Giá xuất khẩu trung bình chỉ đạt 296 USD/tấn, giảm mạnh tới 33% so với năm ngoái. Nguyên nhân chủ yếu là do giá sắn lát đang lao dốc trước sự cạnh tranh từ ngô, khiến nhiều nhà máy chế biến của Trung Quốc chuyển hướng.

Không chỉ vậy, nhu cầu sắn lát từ Trung Quốc cũng đã giảm dần từ năm 2023 đến nay, buộc các doanh nghiệp chế biến sắn tại Việt Nam phải tạm ngừng hoạt động hoặc có kế hoạch nghỉ vụ sớm, dù hiện tại đang là chính vụ thu hoạch.

Trong khi đó, Thái Lan – quốc gia dẫn đầu thế giới về xuất khẩu sắn – hiện cũng đang chịu sức ép lớn khi Trung Quốc giảm nhập khẩu, khiến giá sắn Thái trên thị trường quốc tế liên tục lao dốc và cạnh tranh ngày càng gay gắt với Việt Nam.

Thực tế, trong khi Trung Quốc thu hẹp nhu cầu, các thị trường còn lại vẫn chiếm tỷ trọng nhỏ. Đài Loan (Trung Quốc) - thị trường lớn thứ hai chỉ nhập hơn 19.000 tấn (7 triệu USD), còn Malaysia – thị trường đứng thứ ba, tiêu thụ hơn 12.000 tấn (4,5 triệu USD). Mặc dù Malaysia tăng mạnh 70% về lượng nhập khẩu, nhưng tổng giá trị vẫn còn khiêm tốn so với Trung Quốc.

Việt Nam - Thái Lan cạnh tranh quyết liệt giành thị phần một mặt hàng nông sản tại thị trường Trung Quốc

Trước tình hình đầy biến động, Bộ Nông nghiệp và Môi trường đã phê duyệt Đề án Phát triển bền vững ngành hàng sắn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Mục tiêu là đưa ngành sắn thoát khỏi phụ thuộc vào một vài thị trường lớn, đồng thời nâng cao giá trị sản phẩm qua chế biến sâu và canh tác bền vững.

Theo đề án, đến năm 2030, sản lượng sắn tươi cả nước sẽ đạt từ 11,5 đến 12,5 triệu tấn; ít nhất 40–50% diện tích trồng sẽ sử dụng giống đạt tiêu chuẩn chất lượng; khoảng 50% diện tích trồng sắn sẽ áp dụng các quy trình canh tác bền vững. Đặc biệt, mục tiêu kim ngạch xuất khẩu ngành sắn đến năm 2030 là 1,8 đến 2,0 tỷ USD – gần gấp 4 lần kết quả hiện tại.

Việc đa dạng hóa thị trường, khuyến khích đầu tư vào sản xuất tinh bột, ethanol và sản phẩm chế biến sâu, cũng như xây dựng hệ thống logistics hiệu quả là những hướng đi cần thiết. Ngoài ra, cần chú trọng hơn vào việc phát triển vùng nguyên liệu ổn định, ứng dụng khoa học công nghệ và đẩy mạnh xúc tiến thương mại sang các thị trường tiềm năng ngoài Trung Quốc.