Ngày 28/7/2025, VN-Index đóng cửa ở mức 1.557,42 điểm, tăng 26,29 điểm (+1,72%), chính thức vượt đỉnh lịch sử 1.536,45 điểm thiết lập từ năm 2022 và ghi nhận kỷ lục mới đúng dịp kỷ niệm 25 năm thị trường chứng khoán Việt Nam đi vào hoạt động. Thanh khoản bùng nổ, đạt gần 1,9 tỷ cổ phiếu, tương ứng 46.715 tỷ đồng.

Độ rộng thị trường nghiêng hẳn về bên mua. Trên HoSE có 258 mã tăng giá, trong đó 33 mã tăng trần, áp đảo so với 81 mã giảm và 38 mã đứng giá. 9/11 nhóm ngành giao dịch khởi sắc.

VN-Index lập đỉnh lịch sử đúng ngày đặc biệt của TTCK Việt Nam
Màu xanh, tím bao phủ thị trường chứng khoán Việt Nam

Thanh khoản nổi bật ở nhiều mã đạt trên nghìn tỷ đồng như SHB (2.177 tỷ đồng), HPG (2.620 tỷ), SSI (1.751 tỷ), VPB (1.416 tỷ), TCB (1.086 tỷ).

Các cổ phiếu tác động mạnh nhất đến chỉ số gồm VPB (+4,37%), VHM (+2,03%), VCB (+1,29%), VIC (+1,31%), SHB (+6,98%), LPB (+3,69%) và SSI (+5,29%).

Nhóm chứng khoán tiếp tục dẫn dắt thị trường khi tăng 6,26%, lan tỏa tâm lý tích cực và kéo hàng loạt mã như VND, VIX, SHS, MBS, ORS lên mức giá trần. Kế đến là nhóm ngân hàng tăng 2,06% và bất động sản tăng 1,85%.

Ở chiều ngược lại, áp lực bán xuất hiện tại nhóm chăm sóc sức khỏe (-0,02%) chủ yếu do DCL (-0,22%) và nhóm năng lượng (-0,16%) khi nhiều cổ phiếu dầu khí suy giảm như PVS (-0,29%), PLX (-0,66%), OIL (-0,83%).

Đáng chú ý, khối ngoại bán ròng 1.045 tỷ đồng, tập trung ở HPG, FPT, GVR, VIX, SSI, VHM…, trong khi mua ròng các mã SHB, VNM, LPB.

VN-Index lập đỉnh lịch sử đúng ngày đặc biệt của TTCK Việt Nam
Giao dịch khối ngoại trong phiên 28/7

Ngày đặc biệt của thị trường chứng khoán Việt Nam

Đúng 25 năm trước, ngày 28/7/2000, VN-Index - chỉ số đại diện cho thị trường chứng khoán Việt Nam chính thức ra đời tại mốc 100 điểm khi Sở Giao dịch Chứng khoán TP. HCM (HoSE) bắt đầu hoạt động, với vỏn vẹn hai cổ phiếu niêm yết là REE và SAM.

Từ quy mô chỉ bằng 0,28% GDP với 2 mã cổ phiếu ban đầu, đến nay thị trường đã phát triển vượt bậc với hơn 1.600 cổ phiếu niêm yết và đăng ký giao dịch. Thanh khoản không ngừng cải thiện, giá trị giao dịch bình quân giai đoạn 2021 - 2025 đạt 21.500 tỷ đồng/phiên, cao gấp 4,4 lần so với giai đoạn 2015 - 2020 và gấp 390 lần so với 5 năm đầu tiên. Quy mô vốn hóa thị trường cổ phiếu đã vượt 8,45 triệu tỷ đồng; tính cả trái phiếu, tổng quy mô thị trường tương đương gần 100% GDP năm 2024.

VN-Index lập đỉnh lịch sử đúng ngày đặc biệt của TTCK Việt Nam
Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng phát biểu tại Lễ kỷ niệm 25 năm hoạt động của thị trường chứng khoán Việt Nam và ra mắt Hệ thống công nghệ thông tin mới diễn ra sáng ngày 28/7/2025 tại TP. HCM

Nhân ngày đặc biệt, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng đề nghị toàn ngành chứng khoán quán triệt tinh thần đổi mới và triển khai đồng bộ 5 nhiệm vụ trọng tâm.

Thứ nhất, tiếp tục xây dựng, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý đồng bộ, phù hợp thông lệ quốc tế, bảo đảm tính ổn định, minh bạch và hiệu quả của thị trường.

Thứ hai, tổ chức vận hành thị trường an toàn, ổn định và hiệu quả; cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho tổ chức, cá nhân tham gia; nâng cao năng lực quản lý, giám sát và xử lý nghiêm hành vi vi phạm nhằm củng cố kỷ cương và minh bạch.

Thứ ba, tái cơ cấu các trụ cột của thị trường theo hướng nâng cao chất lượng hàng hóa, gia tăng nhà đầu tư tổ chức, đa dạng hóa sản phẩm và dịch vụ để đáp ứng nhu cầu của nhà đầu tư.

Thứ tư, thúc đẩy chuyển đổi số và hiện đại hóa hạ tầng công nghệ thông tin, vừa phục vụ hiệu quả công tác quản lý nhà nước, vừa đáp ứng yêu cầu phát triển của thị trường trong giai đoạn mới.

Thứ năm, đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền, đào tạo kiến thức cho nhà đầu tư và tăng cường hợp tác quốc tế có chiều sâu, nhằm nâng cao vị thế của thị trường chứng khoán Việt Nam.

“Đặc biệt, cần triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp để sớm nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam từ cận biên lên mới nổi, qua đó thu hút mạnh mẽ dòng vốn đầu tư trong và ngoài nước” - Bộ trưởng nhấn mạnh.